Tập thơ “Vệt sương chiều”, Nxb Hội Nhà văn, 2016

THAY CHO LỜI TỰA

 

(Phần tự bạch viết chung cho cả 5 tập “Dòng sông mải miết”, “Vệt sương chiều”, “Miền nhớ”, “Bài thơ quê tôi” và “Đi qua tháng ba”)

(Phần cảm nhận của bạn đọc về tập thơ)

Cảm xúc về bài thơ “VỆT SƯƠNG CHIỀU”

”Em đi về nơi ấy
Sương chiều hay khói bay
Em đi chiều có hay
Sương rơi tràn thung vắng.

Ven đồi xanh hàng thông
Sương trắng chiều phía núi
Có nhớ người năm ấy
Nhớ mùa đông rối bời.

Rừng chiều xa vời vợi
Cánh hoa vàng mọng ướt
Có bóng chiều tha thướt
Konplong rừng thông.

Mùa thu trôi thinh không
Mùa hạ xanh biếc lá
Kon Tum chiều đôi ngả
Mùa đông sương mù giăng.

Người đi chiều xa xăm
Người quay bước ngậm ngùi
Núi mờ dần hôm ấy
Vệt sương chiều vẫn bay…”

Cách đây khoảng nửa năm, khi đang phiêu du trên mạng thì vô tình gặp thơ anh. Cảm giác đầu tiên khi đọc những vần thơ anh viết và cho đến bây giờ tôi vẫn thấy được tính nhất quán ấy trong nguồn cảm xúc rất phong phú trong thơ anh. Đó là không gian thơ khoáng đạt, nồng nàn, sâu lắng và thật nhẹ nhàng. Một cái gì đó, không chỉ gò bó vào một thân phận cụ thể, mà nó là niềm vui, nỗi buồn của cái duyên, cái nợ của đời người.

Vâng! Tôi đang nói về thơ anh, thơ Vũ Đan Thành. Cũng không thể nói một cách dễ dàng rằng đây là bài thơ hay nhất của anh. Thôi thì, hãy chỉ quan tâm đến “Chuyện tình” trong thơ anh.

“Em đi về nơi ấy

Sương chiều hay khói bay

Em đi chiều có hay

Sương rơi tràn thung vắng.” 

Có người chuộng mẫu người yêu “rực lửa” nhưng tôi giống Vũ Đan Thành, rất thích cái mờ ảo như sương khói của người trong mộng. Cái ảo ảnh lẫn lộn “sương – khói” lam chiều như càng làm cho “em” mỏng manh hơn. Có phải “về nơi ấy” có nghĩa là em chỉ còn chập chờn trong tim ta. Không! Sao dễ vậy? lòng ta “Tràn thung vắng” chứ “sương” chỉ là biểu tượng mà thôi. Hình ảnh “sương rơi tràn thung vắng” cụ thể hơn, rõ nét hơn trong cái mờ ảo sương – khói cũng như nỗi nhớ bắt đầu định hình rõ nét hiện hữu “Tra tấn” nhà thơ, để rồi hàng thông vẫn xanh. Xa xa, sương tương tư cứ phủ đầy núi thẫm, còn con người thì chỉ biết đến “Một mùa đông rối bời”.

Một lần nữa, cái hay trong thơ Vũ Đan Thành là không sa vào cái vòng luẩn quẩn – khoét sâu vào góc độ nỉ non cố hữu của chuyện tình, của cái bế tắc của chuyện tình… Dù lòng chứa đầy một mùa đông rối bời, nhưng tôi thấy rõ nhà thơ đang đứng lặng, khoanh tay, bồi hồi rải tình nhớ thương vào chiều miên man, lên từng cánh hoa và khối tình ấy được đóng mộc cụ thể, con mộc khắc lên chuyện tình “Kon Plong”.

”Rừng chiều xa vời vợi

Cánh hoa vàng mọng ướt

Có bóng chiều tha thướt

Kon Plong rừng thông.”

Mỏng manh trôi vào mùa thu thinh không, mát là như lá xanh mùa hạ, hun hút Kon Tum đôi ngả, em về đâu, ta về đâu mà đã mịt mù sương giăng của chiều đông ngày ấy em đi. Để rồi chỉ còn nỗi nhớ, nỗi nhớ một bóng hình, một mối tình mong manh như

Vệt sương chiều vẫn bay…”

(Nhà giáo Đỗ Xuân Phong,472 Trương Công Định, thành phố Vũng Tàu).

Trong lần xuất bản cùng lúc năm tập thơ này, “Dòng sông mải miết”, “Vệt sương chiều”, “Miền nhớ”, “Bài thơ quê tôi” và “Đi qua tháng ba” với gần 450 bài thơ, tôi hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa của các độc giả yêu thơ và nhận được nhiều ý kiến góp ý phê bình của đông đảo giới văn học nghệ thuật, các nhà phê bình văn học cùng các cơ quan truyền thông.

 

Xin chân thành cảm ơn Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, Ban Biên tập, nhà In và các phòng ban chức năng!

Ngày 6 tháng 11 năm 2015
                                                        Vũ Đan Thành

 

Cùng chia sẻ bài viết này

Facebook