GIA XUYÊN – SỰ TÍCH MỘT LÀNG QUÊ

GIA XUYÊN – SỰ TÍCH MỘT LÀNG QUÊ 

Vũ Đan Thành

Những ai có về qua làng Tâng Hạ, một làng quê của của xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc, mà nay là vùng ngoại ô của thành phố, chắc sẽ có nhiều cảm nhận sâu xa. Bởi đó là một vùng rau – lúa có tiếng của tỉnh Hải Dương. Họ sẽ thấy những ruộng đồng tốt tươi nào là cây đào, rau. dưa và một màu xanh của đồng lúa nối tiếp nhau. Một bức tranh như được vẽ lên bởi một miền quê trù phú của một vùng đồng bằng Bắc Bộ. Vậy mà trên mảnh đất này, đúng hơn là trên cái nền màu xanh này, đã từng diễn ra bao nhiêu cảnh sắc khác nhau không những về con người, mà đến cây trồng cũng vậy. Sau một thời gian dài chiêm nghiệm, mới hay đúng là vật đổi sao dời…

Xã Gia Xuyên quê tôi, trước đây chỉ có hai làng Tâng Hạ và Đồng Bào. Làng Tâng Hạ vốn lâu đời lại ngày càng mở rộng lớn quá, mà sau này được chia ra làm hai thôn Tằng Hạ và thôn Tranh Đấu. Nhiều nơi trùng lặp tên làng và tên thôn. Tên làng giờ chỉ là tên gọi cửa miệng thôi, chứ không được ghi trong hệ thống phân cấp hành chính.

Mẹ tôi kể rằng, hồi xưa kia cánh đồng làng Tâng Hạ quê tôi, đã trồng dưa hấu khá nhiều rồi. Người ta gieo hạt vào cuối tháng chạp, hay sau tết Nguyên Đán. Khi đó dần ấm áp lại có mưa xuân, cây dưa sẽ mọc lên và bò lan trên mặt luống. Đến tháng ba có nhiều nắng, thì cây dưa bắt đầu ra nụ nở hoa lác đác. Sang tháng tư cây dưa hấu bắt đầu có quả. Quả to lúc ấy bằng nắm tay thôi. Đến tháng năm tháng sáu thì mới đỏ lòng và cho thu hoạch. Tôi lúc đó còn nhỏ, đã biết câu chuyện sự tích dưa hấu, bèn nói leo:
– “ Đúng là giống dưa hấu Mai An Tiêm rồi!”
– “Dưa hấu hồi ấy dài ngày lắm không như bây giờ, nên quả nào cũng đen mướt to hơn quả mít”
Mẹ lại kể tiếp, những nhà trồng dưa phải cho quả vào hai sọt rồi gánh đi sang các làng khác để đổi lấy lúa non khi họ đang gặt. Người gặt lúa vào tầm tháng sáu tiết trời oi nóng. Khi ấy vừa mệt và khát nước, nên thấy cánh thợ gánh dưa hấu đến đổi lúa thì kiểu gì cũng bớt ra những lượm lúa vừa gặt, để được thưởng thức miếng dưa đỏ tươi ngọt lừ, với những hàng hạt đen bóng và đều như hàm răng của cánh đàn bà con gái. Ông ngoại tôi hồi ấy khỏe lắm, nhưng đường xa cũng chỉ gánh nổi sáu quả dưa thôi. Buổi sáng gánh đi một gánh dưa hấu, thì buổi chiều gánh về một gánh lúa. Các chị tôi ngồi nghe kêu lên:
– “ Một cân dưa đổi được có một cân lúa chưa tuốt hạt, như thế thì rẻ nhỉ.”
Chả biết có thèm ăn dưa không mà cái giọng điệu của mấy bà chị tôi như cứ xuýt xoa tiếc rẻ mãi. Bố tôi hồi đó khi chưa lấy mẹ tôi, cũng hay theo ông ngoại gánh dưa đi bán. Người nào khỏe thường gánh đi khá xa, có khi tới tận làng Điềm bên kia sông Sặt, cách nhà mười mấy cây số. Về sau gặp khô hạn nhiều lại chưa có hệ thống tưới nước, nên người ta không trồng dưa hấu nữa, mà chuyển sang trồng bông để dệt vải. Chuyện trồng cái cây dưa hấu ở quê tôi thời đó đã làm tôi ngạc nhiên rồi. Lại đến chuyện trồng bông dệt vải thì lạ quá, cứ làm cho tôi phải trố mắt ra nghe. Tôi và các chị tôi vốn chả ai nhìn thấy ruộng bông bao giờ cả. Thế rồi chúng tôi cứ há hốc mồm ra nghe mẹ tả về cánh đồng làng mình hồi ấy. Rồi đến lúc se sợi như thế nào. Vào mùa dệt vải, cứ mỗi khi đêm xuống thì những tiếng thoi đưa và tiếng kẽo cà kẽo kẹt se bông dệt sợi vang lên từ đầu làng đến cuối xóm. Rồi khi dệt được tấm vải dài, gọi là vải “diềm bâu”. Trông tấm vải khi đó chắc na ná như cái bao đựng gạo bây giờ. Nếu cứ để thế mà mang may áo, thì chỉ một thời gian mồ hôi mồ kê ngấm vào sẽ chuyển thành màu “cháo lòng”. Vì vậy người ta phải đem ngâm với nước củ nâu rồi phơi khô. Củ nâu thì phải mua ở chợ, nơi mà khách buôn họ phải đem từ tận miền rừng về. Mẹ bảo, củ nâu thường to bằng quả bưởi, nhưng hình thù méo mó có vỏ màu đen. Bên ngoài xù xi thế nhưng bên trong đỏ tươi như ruột gấc. Người ta phải băm nhỏ ra rồi giã nhỏ rồi vắt lấy nước. Cái tấm vải diềm bâu đó được ngâm trong cái nước đỏ lòm ấy qua đêm, rồi chăng ra ven đường phơi khô. Phải làm nhiều lần như vậy sẽ được những tấm vải có mầu nâu thẫm gọi là “vải gụ”. Những tấm vải rất đẹp này được mang ra phiên chợ Cuối trên huyện để bán. Mẹ còn bảo bấy giờ, đàn ông và đàn bà đều mặc quần áo gụ thôi. Chỉ có ít người mặc thứ vải “đũi” được dệt từ sợi tơ tằm ở làng bên cạnh. Tôi cứ hình dung ra những bà có tuổi đang mặc những bộ áo cánh nâu, cái quần “cán sòng”, chít khăn mỏ quạ đen, đang nhai trầu bỏm bẻm bằng hai hàm răng đen nhánh như hạt dưa hấu lúc bấy giờ.
Làng quê thuở thanh bình, đầu xuân giêng hai nhàn tản, dân làng già trẻ gái trai mở hội hát đối, hát chèo, hát xoan, hát ghẹo thâu đêm suốt sáng vui lắm. Hồ Đình Tâng hay ngay cả cái ao Quán Bòng xóm tôi cứ bồng bềnh thuyền nan cùng câu hát điệu hò giao duyên tình tứ. Về sau khi giặc Tây kéo đến, cả làng phải dắt díu nhau chạy loạn về phía nam của huyện Gia Lộc, sang cả vùng Thanh Miện và Ninh Giang. Mấy năm mới dần dần quay lại chấp nhận mấy năm cái gọi là “về Tề” (Do Pháp cùng tay sai cai quản). Cái nghề trồng bông dệt vải ở quê tôi khi đó cũng đã không còn nữa. Chỉ có những người có tuổi trong làng còn nhớ mãi cánh đồng trồng bông trắng xóa và những hình ảnh trên đường làng la liệt những tấm vải nâu đang phơi dài trong nắng sớm. Đấy là một thời kỳ trước cách mạng tháng 8 và trong kháng chiến chống Pháp, như các hồ sơ lý lịch người ta vẫn ghi. Thế nhưng cận những năm 1945, chắc khoảng hai ba năm thôi, bọn giặc Nhật lùn lại kéo đến cánh đồng bạt ngàn quê tôi và bắt người dân phải trồng đay cho chúng. Bọn lính Nhật. trước khi làm việc này đã bày ra những trò quái chiêu để thị uy trước dân chúng. Chúng bèn bắt tất cả mọi người đến chứng kiến cái màn tự “Mổ bụng moi gan móc ruột” khoe tài của binh lính Nhật. Rồi sau đó ra lệnh cho dân làng phải nhổ tất cả các cây đang có trên đồng để gieo hạt đay. Ai không nhổ liền bị chúng đánh đập dã man. Chỗ nào nhiều nhà không chịu nhổ thì chúng nọc cổ lý trưởng ra để đánh.
Thế là đùng một cái, một cánh đồng đay bạt ngàn đã mọc lên tại cái làng Tâng Hạ và mấy làng khác bên cạnh xã Gia Xuyên quê tôi. Đến mùa thu năm sau, người dân chặt đay và ngâm xuống các ao hồ, sông ngòi để cho cây đay thối rữa ra. Sau đó, bóc lấy những sợi đay đem phơi trắng cả đường đi lối lại. Cả một vùng quê cứ ung ủng mùi đay ngâm, đang thối rữa đen ngòm tại bất cứ nơi nào có nước. Khi những sợi đay đay được đóng thành từng bó là lúc mà bọn Nhật lùn đã rút đi nhanh như lúc chúng kéo đến. Hồi ấy là mùa thu năm Ất Dậu, 1945.
Chúng tôi hỏi mẹ rằng, khi đó làng mình có nhiều người chết đói không. Mẹ bảo chủ yếu là người nới khác ở mạn Thái Bình đến và chết đói la liệt trên đường, chứ người trong làng mới chỉ có gần trăm người bị chết đói thôi. Sau này khi tôi viết về gia phả họ Vũ làng Tâng Hạ, thì tôi đã tìm hiểu và viết trong lời nói đầu có nói đến nạn đói năm bốn năm lướt qua, đã làm chết 78 người dân. Trong đó, có nhiều người trong dòng họ Vũ. Trên cái làng quê ngày càng đất chật người đông, thì ngoài việc cấy lúa là chính, thì người dân đã bắt đầu trồng cây rau màu khá sớm. Không phải là cây dưa hấu trước kia mà đã có một thời kỳ dài người ta trồng rất nhiều cây cải củ và su hào, còn gọi là cây “thò lò”. Cả cây khoai lang tím nữa, cũng được trồng rất nhiều để chống đói. Nhiều nhất vẫn là cây cải củ, để rồi sớm sớm gồng gánh đi chợ Cuối, cái chợ của trung tâm huyện Gia Lộc để bán. Có khi còn gánh lên tận Chợ Lớn của thị xã Hải Dương bấy giờ. Nhiều người chuyên trồng cải củ để tỉa bán và để lại một số củ tại ruộng, để cho cải củ ra hoa, kết hạt sau nay bán hạt giống cho các vùng lân cận. (Sau năm 1975. Nhiều người làm nghề trồng cải củ để bán hạt giống tận vào trong Nam).
Khi lớn lên đi học, tôi đã từng đi qua những ruộng cải củ nở hoa vàng rực, vào những dịp cuối mùa đông tiết trời vẫn còn se lạnh. Hoa cải cao đến ngập người tôi, nên tôi còn nhớ lắm. Lúc đó muốn xem được nhiều, cả lũ bạn của tôi phải kéo nhau lên trên bờ đê mới ngắm nghĩa được cái đẹp của mùa hoa cải vàng ươm trải khắp đồng làng. Sau này nghe những bài hát và đọc những bài thơ về mùa hoa cải, tôi cứ ngỡ rằng họ lấy cảm xúc từ cái cánh đồng làng quê tôi đó. Rồi nhiều năm sau nữa, một số người làng tôi chuyển sang trồng cây thuốc lào. Mới đầu ít người trồng nên lãi cao lắm. Thế là dần dần nhiều người trồng theo. Một màu xanh lạ mắt, một cái mùi ngai ngái đã lan dần và phảng phất khắp cánh đồng làng. Tuy còn là một thiếu niên, nhưng tôi đã can dự vào tất cả các công việc của của cái nghề trồng cây thuốc lào này. Bởi thế mà tôi khá tường tận về nó. Đó là một cây trồng độc đáo đã từng hiện diện trên mảnh đất quê tôi dễ thường đến gần chục năm dòng. Bọn trẻ nhỏ hơn tôi làm sao biết được cái nghề trồng thuốc lào cơ chứ. Nhất là các công đoạn sơ chế và bảo quản cho đến khi vê viên từng sợi thuốc cho vào cái điếu cày rồi rít lên sòng sọc. Xong vài giây nín thở, mới phả một đụn khói trắng ngút trời. Vào cái mùa đông giá lạnh, mới thấy thú vị và ấm áp làm sao.
Nhờ việc trồng cây này, mà tôi đã nghe được câu truyện “Sự tích về cây thuốc lào” của mấy ông thợ chuyên đi thái thuốc lào thuê. Mấy ông này đến từ Vĩnh Bảo hay Tiên Lãng, Hải Phòng gì đó. Chuyện kể rằng… Ngày xưa, ở miền xứ Đông có anh chàng hàn sỹ, (Cái từ “Hàn” này đúng là nghèo rồi. Nghèo quá có khi gọi chệch đi là “Nghèo hèn” cũng nên), anh này mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Dù lớn lên phải làm nghề mò cua bắt ốc, nhưng rất ham học. Kiếm dược đồng nào chàng đều dùng cho việc học cả. Các ông thầy đồ thấy vậy cảm động lắm đã giúp chàng rất nhiều. Chàng quyết tâm một ngày nào đó sẽ đi lên kinh thành để dự thi. Rồi cái ngày thi ấy cũng gần đến. Chàng trai bèn khăn gói quả mướp bộ hành lên đường. Chàng đi mấy ngày trời mới tới một con sông rất rộng. Hỏi thì được biết bên kia sông là kinh thành, nơi mà nhà Vua đang mở hội thi để kén người kẻ hiền tài. Chàng đi men theo bờ sông mãi đến khi trời tối mịt mới tìm được một con đò nhỏ. Chủ đò là một cô gái cũng vì mồ côi cha mẹ, mà phải một mình lận đận làm nghề chở đò sinh sống ven đoạn sông này. Cô gái rất ngại khi phải chở khách trong đêm vắng. Nhưng thấy chàng trai hiền lành ăn mặc tồi tàn, mà lại muốn đi thi hội thì trong lòng cảm phục lắm, mới bèn đồng ý chở qua sông. Vừa lên đò thì trời đổ mưa tầm tã. Đến khi sang được bên kia thì cũng đã khuya rồi. Ngoài trời vẫn chưa ngớt mưa nên cô gái lái đò bèn giữ chàng trai ở lại con thuyền qua đêm. Thế rồi trong cái đêm mưa gió não nề đó, trong một con đò chỉ vừa chỗ để ngả lưng cho hai người, thì một điều hệ trọng đã xảy ra trong cuộc đời của một chàng trai và cô gái mới lớn. Rồi sau đó, chàng trai ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Cô gái lái đò thì không sao ngủ được. Cô bèn tò mò giở cái túi nải của chàng trai kia ra xem sách vở và bút mực có những gì mang theo. Thì chỉ thấy ít giấy bút và còn lại một nắm cơm nguội của chàng. Trong lòng vừa thương vừa cảm phục. Cô bèn lấy ra hai đồng tiền vàng đã dành dụm bao năm và dúi vào giữa nắm cơm với hy vọng có thể giúp gì trong lần thi hội này không. Tờ mờ sáng mưa mới chịu dứt. Chàng trai ngượng ngùng cảm tạ cô gái rồi lên đường, hẹn mai mốt dù thế nào chàng cũng quay trở lại. Vừa đến nơi, trường thi đã đang được chuẩn bị. Sỹ tử lục tục xếp hàng đi qua cổng vào khu lều chõng để chờ quá Ngọ một giờ, sẽ chính thức bắt đầu. Thật buồn cho bao nhiêu công sức của chàng. Chỉ những ai có tiền đút cho bọn lính canh thì mới được vào thôi. Chàng trai bèn ra ngồi tại một gốc cây buồn bã thở dài… Đến khi đói và mệt quá, chàng trai giở nắm cơm ăn vài miếng cho qua bữa. Ai ngờ, khi bẻ ra, chàng thấy hai đồng tiền vàng ở giữa. Biết ngay là cô gái lái đò đã có ý giúp mình. Chàng bèn chạy đến giúi cho hai tên lính canh và chạy vội vào cho kịp trước giờ thi.
Câu chuyện này dài lắm. Chỉ biết rằng, kỳ thi đó chàng trai đã đỗ trạng nguyên và liền được nhà vua giữ lại chờ tốt ngày kén chàng làm phò mã. Nhưng chàng trai thì chẳng lấy đó làm hoan hỷ mà tìm mọi cớ thoái thác, hòng muốn quay lại để tìm cô gái lái đò hôm nao. Không lay chuyển được chàng, nhà Vua lấy làm giận lắm, chỉ muốn chém đầu cái kẻ đã phạm tội khi quân này. Nhưng thấy chàng trai đã nghèo lại mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên không nỡ. Sau hai tháng trời, nhà Vua bèn xuống chiếu cho về quê lĩnh một chức cai quản một làng nhỏ thôi. Lại nói cô gái lái đò, khi nghe tin chàng trai đã đậu trạng nguyên và chuẩn bị kết duyên cùng nàng công chúa xinh đẹp, nàng cảm thấy vô cùng thất vọng. Càng đợi chờ, nàng càng cảm thấy xấu hổ vì đã trót trao thân cho chàng trong cái đêm mưa rơi tầm tã. Một đêm mưa, nàng đã lẳng lặng quyên sinh trên khúc sông sâu. Dân làng rất thương xót cho cô gái trẻ, đã chôn cất ngay tại nơi mà hàng ngày nàng đã chở đò. Khi chàng trai quay về biết tin, chàng buồn rầu khôn xiết. Khi đến ngôi mộ nàng, chàng rất ngạc nhiên khi thấy duy nhất có một cây rất lạ mọc lên trên mộ. Cây có những lá chìa ra như hai mái chèo. Màu lá xanh nhạt, cong cong giống như hình con đò. Đặc biệt có một mùi thoang thoảng, ngai ngái rất lạ bay ra từ cây đó. Chàng đem cây đó về trồng vào cái chậu nhỏ đặt trên bàn đọc sách của mình. Khi tàu lá thuốc lào ngả sang màu vàng úa, rồi héo khô. Một lần giữa đêm khuya, ngọn lửa từ chiếc đén bén vào chiếc lá ấy và bốc lên những sợi khói trắng uốn lượn trên bàn đọc sách. Một mùi thơm ngào ngạt tỏa ra làm cho ông trạng nguyên trong lúc đang mơ màng thức giấc thức giấc. Thấy trong làn sương sa khói tỏa, như có chiếc thuyền nan mờ ảo trơng sương và cô gái lái đò vừa nhìn vừa buồn thương giận hờn trách móc. Quan trạng bèn bừng tỉnh hẳn thì không thấy gì nữa. Chỉ còn lại mùi hương bay sao mà quyens rũ đến lạ thường. Sau rồi bóng hình cô lái đò không còn hiện lên nữa mặc dù ông quan trạng cố tình đốt những chiếc lá thuốc lên. Ông cứ ngửi mùi hương rồi lâu ngày không thể thiếu được. Rồi ông cuộn những chiếc lá vàng khô lại để hút cho thỏa thuê. Ông quan trạng không lấy vợ và cả đời ông chỉ sống với mùi thuốc lào mà không ai hay. Khi ông mất mọi người mới phát hiện ra điều bí mật lạ lùng của ông chính là điếu thuốc lào. Mọi người bèn hút thử và trồng khắp nơi. Trong những ngày vui hoan hỷ, hay ngày buồn đau, người ta đều hút thuốc lào để tưởng nhớ đến mối tình chung thủy trọn đời của ông trạng nguyên với cô lái đò ấy. Các bạn đã hiểu cây thuốc lào từ đâu mà có và tại sao những người đàn ông lại say mê hút thuốc lào đến thế. Khói thuốc đó chính là một câu chuyện tình bất diệt của chàng trai nghèo với cô lái đò năm xưa. Tôi xin không kể tiếp câu chuyện này để tránh bị lạc với cái tiêu để của câu chuyện mà tôi đang kể cho các bạn.
Lại nói đến cái cây thuốc lào ở làng Tâng Hạ quê tôi. Vì tôi ham mê công việc, nên các công đoạn chăm sóc, thu hoạch và sơ chế thuốc lào tôi đều rành lắm. Cả cái công việc phải kéo xe chở thùng phuy lên thị xã cách đó mươi cây số để mua nước giải về tưới để thuốc lào thơm ngon sau này. Việc ấy, tôi cũng tham gia cùng các chị tôi. Cho tới việc phải kéo xe bò lên phố xá để mua phân bắc tươi. Gọi thế cho nó lịch sự, chứ đó chính là cái sản phẩm vừa được cho ra từ các nhà vệ sinh công cộng hoặc từ các gia đình người thành thị. Buổi chiều không phải đi học tôi đạp cái xe Thống Nhất cọc cạch lên cầu Cất để đùn xe cho các chị đỡ vất vả. Hồi ấy còn nhỏ, nên phải đạp xe theo kiểu “luồn chân chó” mới đi được. Tôi lại đang học cuối cấp 1 ở trường làng, không có bạn bè ở thị xã nên chả có gì phải ngại ngùng gì cả. Cái xe đạp được đặt nằm ngang trên hai càng xe bò. Thế là tôi vừa đùn vừa vung vẩy tay kia cho đến khi về tới cánh đồng làng. Có điều, khi gió thổi ngang xe còn đỡ, chứ thổi ngược lại thì kinh lắm. Mẹ tôi bảo làm nghề nông mà ngại “bửn” thì rồi có mà chết đói.
Thường thì khi cây thuốc lào lên tốt ngang nách, là lúc các loại bọ nhậy nó hóa ra nhiều lắm. Có khi toàn những con béo lúc, bám đầy như kiến dưới các mặt và cuống lá non. Người ta phải thổi xôi, giã nhuyễn rồi cuốn vào đầu đũa để lăn dính các con bọ này vào rồi vứt đi. Một sào thuốc lào phải làm mất mấy ngày. Khi lá cây dầy cứng lại và có đốm vàng xuất hiện, thì bẻ xếp quang chành gánh đem về nhà. Buổi tối rảnh rỗi, mọi người trong nhà dùng nẹp dây cước tuốt hết cuống ra. Các bản lá to được xếp trên hai thanh tre dài. Những lá nhỏ, lá gãy thì rắc vào giữa rồi cuốn lại buộc lạt từng khúc. Khoảng hai ngày sau, khi lá chuyển vàng ươm thì cuộn lại lần nữa sao cho nhỏ và chắc tay để thợ dễ thái. Cuộn thuốc lào làm sao vừa tay thợ thái, vừa đủ độ chín vàng để lá thuốc giòn nhưng lại không bị gãy sợi khi thái là cả một nghệ thuật.
Vào mùa ấy, trong nhà lúc nào cũng có một hai cuộn cây thuốc to sù sụ chừng tới gần ba gang tay ôm, bằng mấy lần con trăn đất nằm dài sườn sượt cạnh bậu cửa phía trong nhà. Có đêm thức dậy đi tiểu, vô ý vấp chân phải cuộn thuốc lào, cứ bủn rủn hết cả người y như vừa đá vào cái xác chết không bằng ý. Thời tiết mà khô hanh quá phải phủ chiếu hoặc rắc luôn những cái cuống lá vừa tuốt ra để phủ lên cho cuộn thuốc khỏi bị héo khô khó thái sau này. Để quá ngày, lá bên trong nóng lên sẽ dễ bị ủng thì thuốc lào hút mất ngon. Các ông thợ thái thuốc lào, ban đầu thường từ vùng Vĩnh Bảo và Tiên Lãng, vác bàn cầu sang thái thuê. Do đông người thuê nên họ phải ăn ở nhờ luôn tại làng tôi cho hết mùa. Những cuộn thuốc lào sau khi cuốn chặt cũng to gần bằng bắp đùi. Nó được khênh lên bàn cầu thái theo chiều dông dốc, có các con lăn bằng tre kê ở dưới. Gọi là bàn cầu thái vì cái đầu của bàn thái có hình bằng gỗ na ná hình cầu, mà người ta đính chìm cái nẹp sắt vào đó. Nẹp sắt hình cầu đó là để co dao thái tỳ vào cho dễ. Người thợ tay trái điều chỉnh cho cả cuộn thuốc chạy xuống thật từ từ. Còn tay phải cầm một con dao bản to bằng nửa cái quạt mo rất sắc tỳ vào cạnh có nẹp sắt để thái. Thái độ vài chục nhát dao lại phải đưa lên hòn đá bên cạnh để mài ngay. Bởi vì lúc đó, nhựa thuốc lào bán vào dao nhiều sẽ bị rít lại, làm cho lưỡi thái trở nên rất nhụt. Thợ tay nghề cao thường thái rất nhỏ đều. Thợ nào vụng thường để lẫn các mảnh lá nhỏ vào, thường gọi là “vè” đến khi phơi phong phải mất công nhặt rất lâu. Những thợ thái thuốc lào hồi ấy, thường được coi trọng chả kém gì những ông thợ lái máy cày về hợp tác xã. Nhìn các ông ấy thái thuốc lào như là múa ấy tôi phục lắm, chả khác gì các nghệ nhân gảy đàn tỳ bà hay mấy ông trong đội kèn trống kéo nhị cò ke trong đám ma. Có nhà thái nhiều cuộn trong ngày, có khi phải làm cơm gà tử tế cho thợ. Buổi tối thì phải nấu cháo gà thật ngon nữa cơ.
Có câu chuyện một ông thợ thái thuốc nọ có tính trăng hoa, cứ nhằm buổi tối mới chịu đến thái thuốc lào cho một bà có chồng đi xa. Chả biết xảy ra chuyện gì chưa, mà ầm ỹ cả xóm làng lên. Ấy là lúc cái bận ông chồng bà kia đột ngột về nhà vào lúc gần nửa đêm. Cái ông thợ thì phải bỏ của chạy lấy người không dám quay giở lại nữa. Mà của nả gì đâu, chỉ là mỗi cái bàn cầu thái thuốc và bộ dao rộng bản vậy thôi. Thế là mấy ông trong làng vớ được bèn dùng để thái thử rồi cũng thành thợ luôn. Vài năm sau thì có vài ông nữa biết thái thuốc lào. Thế là cánh thợ Vĩnh Bảo và Tiên Lãng cũng chẳng còn đất để làm ăn. Chả riêng gì cái ông thợ đã lợi dụng việc thái thuốc lào để lằng nhằng với vợ người khác. Nhìn các ông thợ cứ thong thả múa những đường dao để thái thuốc lào và đặc biệt là cách cư xử rất trọng vọng của các gia chủ mà lúc đó, tôi đã thầm ước ao, sau này mình sẽ trở thành một người thợ thái thuốc lào nổi danh trong thiên hạ cho mà xem (!)
Đấy là mới chỉ có thái thuốc thôi đấy. Để thành sợi thuốc hút được thì phải qua nhiều công đoạn nữa. Khi cuộn thuốc được thái ra đến đậu thi phải rắc xuống sân gạch phơi ngay lập tức. Tuyệt đối tránh để đống lâu, sợ thuốc vừa thái ra đang nóng lại nóng lên rồi sẽ bị hỏng. Khi phơi lần đầu phải rắc đều thật mỏng. Đến chiều tối, những sợi thuốc khô đét lại thành màng mỏng trên sân gạch. Lại phải chờ xâm xẩm tối để sợi thuốc hút sương vào mềm đi, không còn giòn và gẫy. thì nhẹ nhàng lấy tay vơ lại cho vào từng cái nong rộng để phơi tiếp. Sợi thuốc lào khi đó mới có màu xanh nẹt, còn hăng mùi lắm chưa thể hút được. Thường phải phơi trên nong hoặc nia mất độ mươi hôm. Để thuốc lào có được độ vàng sẫm trông bắt mắt như các loại thuốc lào đang được bày bán thì buộc phải ngày phơi nắng, đêm phơi sương. Cứ hàng tối, khi sợi thuốc lào đã nguội và mềm thì cần phải lật lên. Có như vậy màu vàng sẽ đồng đều. Nếu những đêm nao khô hanh ít sương, có khi phải ngậm nước vào miệng để phun làm giả sương. Tôi còn tý tuổi đầu mà chỉ cần nhìn màu và bóp nắm thuốc là trên tay biết ngay là loại thuốc lào này đã được phơi mấy nắng mấy sương. Vê một điếu thuốc, cho vào điếu cày rồi bắn một phát, chưa cần phả khói tôi cũng biết được thuốc lào này có được bón phân bắc hay không. Loại nào là lá gốc, loại nào là lá bẻ ở đoạn giữa cây. Mấy ông thợ chuyên buôn thuốc lào khi đi mua thường hay chê bai này nọ, gặp tôi người bé loắt choắt mà răng đã vàng khè ám thuốc thì nể lắm. Thấy tôi rạch ròi về thuốc lào, họ bèn nháy nhau cam đoan rằng rồi tôi sẽ trở thành kỳ tài thiên hạ trong lĩnh vực thuốc lào thuốc lảu sau này cho mà xem. Tôi nghe thấy thế, nấy làm khoái trí trong bụng lắm!!!
Công đoạn phơi xong xuôi rồi, sợi thuốc lào cần được đưa vào chum đất nung hoặc thùng phuy để bảo quản. Bên trong phải lót thật dày bằng lá chuối đã phơi khô kiệt. Thuốc lào vừa phơi lần cuối xong, chờ thật nguội rồi cho vào lèn chặt. Miệng phuy, miệng chum phải trải thêm một lớp lá chuối khô dày nữa rồi nịt nilong thật kín. Lá chuối khô vừa hút ẩm, vừa sinh ra mùi thơm quyện lấy mùi thuốc lào. Năm sau mà mở ra sẽ có một mùi thơm đậm đà đến mức ngào ngạt, tưởng như có thể đưa nấm thuốc lào lên miệng ăn được. Các thao tác phải làm từ từ và thật kỹ lưỡng mới có thể lâu và bán dần cho khách buôn.
Vào cái năm 1971, đang vào mùa nước lớn, tuyến đê Văn Thai của tỉnh Hải Dương quê tôi bất ngờ bị vỡ. Một trận lụt lịch sử tràn vào làng khi mà tôi mới tập tọe biết bơi. Trong một đêm đến sáng hôm sau, nước đã dâng lên ngập lưng chừng nhà. Cánh đồng làng như biển cả mênh mông. Bao nhiêu ruộng thuốc lào, hoa màu và cả vật nuôi mất hết cả. Người còn phải chạy lên cái con đê con con để tránh nước, chỉ kịp mang theo ít đồ đạc chăn màn và bao gạo là cùng. Nhà tôi có hai chum to và hai thùng phuy đựng thuốc lào còn kịp chằng dây thừng vào cột nhà. Mươi hôm sau đi bè chuối quay về thấy nổi lềnh bềnh trên mặt nước, nhưng vẫn còn may là chưa bị cuốn trôi đi. Cả làng hầu như nhà nào cũng có một vài chum hoặc thùng phuy thuốc lào không còn biết để đâu. Người thì chạy vội lên mặt đê, còn lợn gà hay những con trâu bò cũng phải vất lại. Không những trâu bò lợn chết nổi, thì những thùng phuy hay chum thuốc lào cũng nổi theo trôi tứ tán khắp nơi.
Một tháng sau nước mới rút cạn. mẹ tôi rất mừng vì vẫn còn mấy chum vại và hai thùng phuy thuốc nào có thể là cứu cánh cho cuộc sống sau này. Mỗi phuy thuốc lào ấy bằng những tấn thóc đấy. Chờ đến khi cái sân gạch khô hẳn đi cả nhà mới mở chum và thùng phuy thuốc lào để phơi lại thì ôi thôi… nước đã ngấm vào bên trong mốc hoáng lên hết cả rồi. Sau trận lụt ấy, làng xóm tiêu điều tan hoang. Một phần nhờ cứu tế mà gượng lại được. Chẳng ai trồng thuốc lào nữa mà chuyển sang trồng hết lúa ngô khoai sắn để vững dạ. Năm sau nữa thì có lệnh cấm trồng thuốc lào chuyển sang cây lương thực cung cấp cho tiền tuyến, cây thuốc lào cũng lụi tàn theo. Mấy ông thợ thái thuốc lào, đùng một cái, đang từ những người được trọng vọng, nay đã thành thất nghiệp lúc nào không biết. Các ông bèn gác cả cái bàn cầu to tướng có phần kềnh cành lên tận nóc nhà. Lâu lâu ngứa nghề quá lại hạ xuống ngắm nghía và lau chùi bóng lộn lên cho đỡ thèm. Ước mơ trở thành thợ thái thuốc lào đẳng cấp của tôi cũng tan tành trôi theo cái trận lụt kinh hoàng cái năm 71 ấy. Dần dần không còn ai nhìn thấy ruộng thuốc lào trên cánh đồng làng Tâng Hạ nữa. Nếu không, chắc chắn mọi người sẽ bắt gặp những hình ảnh những người đàn bà, phụ nữ xinh đẹp nết na quê tôi, tay chống háng, tay cầm cái điếu cày rít lên những tràng dài rồi phả khói ngút trời mây bay cho mà xem.
Rồi đến những năm sau giải phóng miền nam, 1976 – 1978 gì đó, là lúc cây rau màu vụ đông được khởi xướng rộng khắp. Làng tôi lại đi đầu trong phong trào ấy. Phải công nhận các vị lãnh đạo địa phương hồi ấy đúng là rất nhanh nhạy, đã tranh thủ các cấp trên rót rất nhiều phân bón và giống má xuống cho dân. Hai vụ chiêm và mùa tập trung cho cấy lúa để đảm bảo lương thực, còn vụ đông thì có nhiều loại rau truyền thống như su hào, cải củ, hành ta và cà chua. Ngoài ra, thì những cây mới như cải bắp, tỏi tây và hành tây đã bắt đầu xuất hiện. Các mô hình luân canh rồi xen canh cây trồng như khoai lang xen cải củ cải thìa, hai khoai lang xen ngô chỉ thấy trên cánh đồng Tâng Hạ quê tôi. Cái chuyện đoàn của thủ tướng Phạm Văn Đồng đi kinh lý qua quê tôi. Buổi sáng đoàn đi qua cánh đồng lúa mùa chín rộ (Chính xác là đồng Nứa, cạnh đường quốc lộ 17) thì buổi chiều quay về đã là một ruộng ngô hoặc ruộng khoai lang, là câu chuyện có thật 100%. Nông dân trước đó gần mươi ngày đã vén những hàng lúa chín ra để đặt bầu dưa, ngô và dâm dây khoai lang. Vừa gặt xong thì cuốc đất ấp ngay thành luống. Đúng là một điển hình hiếm có, tại vùng đồng bằng Bắc Bộ khi đó.
Người dân làng tôi rất chăm chỉ chịu khó làm ăn, lại trồng ba bốn vụ một năm, nên thu nhập khấm khá hơn các làng khác chỉ biết cấy lúa với trồng ngô hoặc đậu. Thế rồi có một công ty giống cây nông nghiệp trong vùng mới để xuất một chương trình trồng cây dưa hấu vụ đông. Vì khi điều tra, họ thấy xưa kia duy nhất chỉ có làng tôi biết trồng dưa hấu mà thôi. Đúng là phong trào hợp tác xã có khác. Ngay lập tức làng tôi được chọn làm thí điểm để phát triển cây dưa hấu đông. Cái giống dưa này ngắn ngày, chỉ có hơn ba tháng là được bán, không như giống dưa thời xưa phải cần tới năm sáu tháng, lại phải bỏ mất vụ lúa chiêm. Trên cánh đồng trồng dưa hấu của làng, cứ rầm rập các đoàn khách các huyện, tỉnh. Nghe nói còn có cả các ông cốp ở trung ương đi ô tô màu đen kít đến thăm.
Tôi nhớ hồi đó mình vấn đang học cuối cấp hai, đã phải đi trông ruộng dưa vào ban đêm. Cả cánh đồng dưa rộng mênh mông, có vài cái lều rơm nằm rải rác. Mỗi gia đình phải trông coi một tuần liền. Đến phiên gia đình tôi, ban ngày có chị tôi trông chốc lát. Tôi hay đi gõ thử từng quả to rồi bổ ăn thử. Cánh đồng khá rộng nên chả ai biết được. Ban đêm, tôi là con trai, đương nhiên phải trông rồi. Dưới bóng trăng sáng lờ mờ, những quả dưa có sọc xanh trắng loằn ngoằn, nhiều khi cứ ngỡ là con rắn lục nằm cuộn khoanh. Giống dưa có cái vỏ xanh trắng loang lổ ấy lại đỏ ruột ra phết. Buổi tối dưới ánh trăng lờ nhờ một mình trong lều dưa, mùi rơm rạ lạ chỗ khó ngủ. Tôi cứ lẩn thẩn đi lại, rồi gõ tay vào những quả dưa to nhất, nếu quả nào có tiếng kêu bình bịch thì vẫn còn trắng. Quả nào có tiếng kêu bồm bộp nhưng trong thì chắc chắn đỏ ruột. Những quả to có tiếng kêu bộp bộp không thôi thì ruột đỏ nhưng dễ bị bốc lòng rồi. Đập ra có khi thấy mùi ung ung như mùi men rượi. Không biết mà cứ ăn no bụng, có mà bị tào tháo đuổi khắp ruộng dưa cũng nên. Tôi chọn những quả đỏ, cứ thế đập quả vào bờ ruộng cho vỡ ra rồi ăn luôn. Cái ông thấy lang trong làng bảo ăn dưa lợi tiểu lắm. Tôi chả biết lợi hại gì, khi ăn chỉ thấy ngon, nhưng khi nằm ngủ thì cứ dăm phút lại phải dậy đi tiểu. Suốt đêm lục tục dậy đi giải quyết “nỗi buồn” mới hiểu thế nào là buồn vui lẫn lộn (!) Rồi đùng một cái lúc thu hoạch, dưa chất đống lớn đống bé. Thấy cái vỏ xanh nhợt nhạt, lại sọc xanh, người đi đường thấy lạ chả mấy ai dám mua nhiều cả. Hợp tác xã bèn cử những người lanh lợi hoạt bát thuê hẳn xe công nông chở dưa lên thị xã và đi thật xa để bán. Nhưng đi đâu cũng bị chặn lại dọc đường vì họ cho bị cho rằng những ông này dân đi buôn. Bán được ít mà để thối thì nhiều. Lúc thu hoạch lại vào cuối mùa đông, có ăn một miếng dưa vào bụng cũng rét run lên rồi còn gì. Hợp tác xã đành phải chia về cho các nhà để trừ vào công lao động. Mỗi nhà có khi phải nhận đến hai ba xe bò dưa liền. Các nhà phải ăn dưa dần rả rích đến gần tháng mới hết. Các cụ già bảo nhau rằng, giá mà ăn dưa mà thay cơm thì tốt quá. Người già bảo nhau khi ăn nên nuốt cả hột cho chắc dạ. Nhưng bao nhiêu hạt dưa vào bụng rồi lại theo các sản phẩm phụ ra ngoài hết. Thảo nào những chỗ bờ ruộng thanh vắng, cứ la liệt mọc lên hàng chùm cây dưa con xanh lét.
Năm sau, chương trình dưa hấu vụ đông chấm dứt hẳn. Người dân không được cấp hạt giống và phân bón thuốc sâu nên cũng không còn mấy ai trồng nữa. Cái hình ảnh cả cánh đồng dưa rộng lớn toàn loại dưa vỏ trắng nhờ nhờ pha lẫn sọc xanh thẫm, mỗi khi ăn vào cuối mùa đông cứ rét run cầm cập ấy, đã chỉ còn lưu lại trong lòng những người đã trồng ra nó và những người coi dưa ban đêm như tôi mà thôi. Vài năm sau, cũng không hẳn là không còn ai trồng dưa nữa. Một số nhà ăn ngon quen miệng vẫn cố trồng. Nhưng mỗi lần đi đến cái công ty giống cây nông nghiệp nọ để mua lạng hạt về trồng thì bao nhiêu là thủ tục cầu kỳ. Đi vào mấy dãy nhà mái bằng hai tầng quét màu dôn vàng xuộm, phải chào hỏi mấy ông bảo vệ và trình bày lý do hay xuất trình giấy tờ mới được vào. Mấy bà nông dân chân đất làng tôi cũng khôn, cứ phịa ra là có họ hàng quen biết với người này người nọ. Họ kể tên những người trước kia đã xuống hướng dẫn kỹ thuật trồng dưa, nên được chỉ trỏ kỹ hơn. Trước tiên phải hỏi đến cái ban phòng gọi là tiền nong tài vụ gì đó. Có ông bảo vệ lại bảo phòng kế hoạch kế hiếc gì đấy. Vào đến nơi làm cái giấy xin nộp tiền, rồi hỏi sang phòng thủ quỹ hay biển thủ mới được cái giấy xuất kho có ghi rõ số lượng chủng loại và cái chữ đóng dấu đỏ chót đã nộp tiền. Xong xuôi rồi thì hãy ung dung mà đi ra hai dãy nhà kho dài dằng dặc có cái sân phơi lúa rộng thênh thang lộng gió ở giữa. Phải chờ cái ông thủ kho ra xuất hàng. Lúc đông người mua thì cái ông thủ kho độ tuổi ngoài băm, có cái mặt bầu bầu, nước da ngăm đen, đi ra thu phiếu rồi cân hạt xuất cho. Hôm nao vắng người ông ấy chả hơi đâu mà ngồi bệt ở cửa kho mà chờ nữa, mà lảng vảng ở mấy cái quán nước để trà thuốc, có khi còn đánh phỏm với những ông chăn vịt chăn kếu gần đấy. Khi nhìn thấy có người đi lại nhiều lần trước cửa kho, ông này mới quay về để xuất kho. Chỉ cách vài dăm cây số thôi mà muốn đi mua hạt dưa trồng cho một sào phải bắt mua ít nhất một lạng (Một lạng là đủ cho năm sào đấy) lại có khi phải mất nửa ngày giời, có khi cả ngày nữa kia.
Có lần nọ, một cô thôn nữ đến mua hạt dưa. Trên tay đã cầm phiếu xuất kho rồi mà cứ phải chờ đên cuối chiều cái ông thủ kho có cái mặt bầu bầu phinh phính người đậm lùn ấy mới ra. Thấy cô thôn nữ có cặp mắt to ngơ ngác rất xinh xắn, dáng người tuy hơi thấp, song cơ thể cứ nần nẫn trong cái áo mỏng màu hoa cà và cái quần phíp có phần hơi chật như căng ra ở vài chỗ gợi cảm. Taythủ kho nuốt nước bọt đánh ực một cái rồi bảo là, hôm nay hết thùng hạt đang bán dở rồi, cô vào trong khênh giúp thùng hạt mới (Cả vụ sao sản xuất nổi dăm bảy cân hạt giống dưa hấu là cùng, lấy đâu ra mà lắm thế!). Cô thôn nữ tưởng thật, đi theo vào phía trong căn phòng bày la liệt các bao tải giống lúa, chả thấy đâu liền bị cái tay thủ kho ôm ghì sấn lấy rồi vật ngửa ra cái bao thóc. Cô gái hốt hoảng vùng vẫy một hồi, rồi đẩy mãi mới đẩy được cái mặt phinh phính có hai cái mắt híp và cái mồm còn dỏ dãi ướt nhoèn ra khỏi mặt mình. Cô gái la hét toáng lên… Đã cuối buổi chiều, cơ quan chả còn ai cả. May cho cô chưa bị sao mà mới chỉ bị sứt sát mình mẩy và đứt cái chun quần thôi. Bởi vì, có một ông bảo vệ già, lúc đó vẫn còn lởn vởn hái mấy ngọn rau ra bên ngoài rìa mương để nấu canh cho bữa tối. Nghe thấy tiếng kêu từ bên trong cái cửa sổ kho bằng gỗ đã tuềnh toàng phát ra, mới chạy vội vào. Thật hú vía cho cái cô thôn nữ hiền lành kia. Dưa dáy dưa diếc cô cũng chả thiết nữa, buông một tiếng “Đồ khốn nạn!” rồi vứt béng cái giấy hóa đơn đi. Cô xếch quần chạy ra lấy xe đạp thồ cục mịch rồi một tay giữ, một tay cầm ghi đông đạp thẳng không thèm quay đầu lại. Ông bảo vệ rất lo nay mai thế nào cũng có người nhà của cô thôn nữ nọ sẽ đến đập cho tên thủ kho này một trận. Nhưng mấy ngày không thấy gì cả. Bởi vì tay thủ kho kia, lại là cháu của một ông đang làm việc trên bộ gửi xuống, nên cơ quan không muốn làm to chuyện. Hơn nữa, chuyện chỉ có mỗi ông bảo vệ biết thôi. Hai năm sau này, khi ông về hưu rồi thì người ta mới biết. Hạt giống trong kho năm ấy bị ế nhiều đã bị bộ phận kiểm nghiệm cho hủy đi để giữ uy tín. Tay thủ kho bèn bê đống hạt đã gần bị mốc ra bờ ao đổ đi, nhưng lại cố tình hắt một ít trên bờ. Tối đến, tay này ra vơ lại và trộn lần vào thùng hạt mới để bán nhằm rút ra một ít để bán riêng. Ở cái cơ quan nhà nước, thế mà không bị đuổi việc mới tài thật đấy(!)
Vì nhiều lẽ, mà nhất là khó mang đi bán dưa ở xa, mà cánh đồng dưa hấu quê tôi chỉ bừng lên được một vụ rồi vài năm sau thì tàn lụi hẳn không còn ai trồng nữa. Mấy năm tôi vào học cấp ba, thì trên cánh đồng cũng có đủ loại rau màu khác nhau, nhưng nhiều nhất lại là đậu tương và ngô. Những thứ này, có không bán kịp thì cũng để dùng dần cho nuôi lợn, không phải bị đổ đi như nhiều loại rau màu khác. Nhưng rồi không cam chịu cảnh thu nhập ít ỏi, dân làng tôi lại nhăm nhe trồng các loại rau đông thu được nhiều tiền như cải bắp và hành tây vụ đông để bán cho con buôn đưa vào trong miền nam.
Bấy giờ, đã là chế độ khoán mà người ta bảo là khoán mười hay khoán trăm gì đó, nêm hợp tác xã không được cấm người dân trồng theo kế hoạch được nữa. Người dân lần đầu được tha hồ trồng theo ý thích của mình, nến cứ cây gì được giá là y như năm sau lao hết vào trồng. Có năm trồng quá nhiều cải bắp đến nỗi không bán xuể phải băm bỏ trắng phớ ngoài ruộng. Không những làm cho ruộng thối đen lên, thậm chí không cấy nổi cây lúa xuân nữa. Mọi người ngao ngán, than thở rằng, đến trồng đay cho thằng Nhật cũng không đến nỗi lãng phí như thế này, bởi vì cây đay chả cần nhiều phân bón như cây cải bắp…
Mấy năm tôi đi học đại học, thì ruộng đồng thôn quê vẫn vậy. Không có gì đổi thay hiều. Người dân trông màu vẫn là may hơn khôn. Cuộc sống vẫn cứ thế trôi đi với người dân ở cái nơi đất chật người đông mà mỗi nhân khẩu chỉ có trung bình hơn một sào ruộng để trồng trọt cấy hái.
Một sào bắc bộ có ba trăm sáu mươi mét vuông. Mỗi nhân khẩu có hơn sào, nghĩa là có khoảng bốn trăm mét vuông. Một gia đình năm người cũng chỉ có đến hai ngàn mét vuông thôi. Thấy bảo bên Tây, mỗi gia đình nông dân họ có ít cũng dăm chục hát ta. Nhiều thì có đến vài trăm. Một hát ta bằng mười ngàn mét vuông. Thế thì một gia đình nông dân của họ, bét ra cũng nhiều gấp vài trăm lần ruộng đất của một gia đình làm nông ở làng tôi. Sao bảo mình cứ làm quần quật từ sáng đến tối, mà cứ suốt đời khổ hơn họ là phải. Cứ coi mấy trăm mét vuông đất đó như một “miếng bánh” đi, thì mỗi ngày một người chỉ có hơn một mét vuông “bánh” vừa để ăn, vừa để bán đi để mua xe, làm nhà và các khoản thuế này nọ, các khoản đóng góp nghĩa vụ công ích và tiền học phí cho con cái nữa. Trong còn thời chiến lại phải cung cấp lương thực cho chiến trường. Mới thấy rằng đồng đất quê tôi, phải oằn lưng gánh trên cơ thể của mình một sức nặng như thế nào. Trước kia, đất đai còn được nghỉ ngơi một vụ đông. Nay có chắng được hai tuần sau khi gặt lúa chiêm cày ngả rạ mà thôi. Đất cũng còn không kịp thở nữa là người. Càng về sau này mới càng thấy giá trị của cây rau màu, nên diện tích cấy lúa cứ giảm dần. Trồng rau màu có thể tăng vụ lên đến bốn đến năm vụ trong một năm. Nếu chỉ cấy lúa thì thu nhập cả năm sao nổi một triệu. Trồng rau màu mới có thể thu mươi đến mười lăm triệu một năm.
Về sau có một anh sinh viên nông nghiệp, ngành cây trồng, người của làng Tâng Hạ mới ra trường. Chờ mãi đôi ba năm, mới xin nổi việc vào một cơ quan giống cây gần nhà. Trong lúc chờ việc, anh đã làm được một việc ít ai ngờ là chọn lọc ra một giống dưa hấu mới từ cái giống dưa hấu vụ đông vỏ sọc xanh mà những năm lâu trước người dân đã trồng. Đến lúc ấy chỉ còn lác đác vài người trồng để mang ra đường nhựa bổ miếng ra bán lẻ thôi. Cái giống mới chọn ra lại có màu vỏ đen kít, màu vỏ giống hệt cái giống dưa “Mai An Tiêm” thuở xưa, đã bẵng đi một thời kỳ quá dài. Giống dưa mới này rất đều quả nhưng nhỏ hơn, chỉ chừng hai ba cân một quả, vừa một gia đình ăn. Ruột quả màu đỏ tươi, ăn vào ngọt lịm. Thế là anh kỹ sư trẻ trồng ngay vài sào tại nhà. Người ta thấy giống đẹp kéo đến tận nhà mua. Anh liền để giống và bán hạt cho mọi người. Cái giống dưa vỏ xanh đen nét lẹt ấy đến già nửa thế kỷ không ai còn nhìn thấy đã tự nhiên lên ngôi. Dần dà người trong làng, ngoài làng rồi trong huyện trồng rất nhiều. Khi thu hoạch chỉ cần gánh lên đường nhựa là có người mua. Khách phương xa, ai đi qua vùng Gia Lộc, cũng chỉ nhăm nhăm mua được vài quả dưa thơm ngon ngọt mát ấy về làm quà thôi.
Những người đến tận nhà anh mua hạt giống ngày một đông. Vừa mua hạt vừa hỏi về kỹ thuật trồng trọt như ngâm ủ cho hạt nảy mầm, chăm sóc và phòn trừ sâu bệnh. Này nhé, cái hạt dưa giống phơi khô khi ngâm nước đều sinh ra một cái màng dịch nhày bọc lấy hạt chả khác gì bọc ni lông. Nếu không biết mà chà xát cho thật sạch đi thì rất khó nảy mầm. Có khi mười hạt chỉ được bốn năm hạt thành cây mà thôi. Nếu trồng vào vụ xuân, lúc ngâm ủ gặp rét đậm mà không biết ủ ấm cho hạt sau khi ngâm cho hạt uống nước no và làm sạch nhớt trên vỏ hạt, thì hạt nảy mầm rất chậm. khi gieo xuống đất dễ bị chết lắm. Phải cho hạt đó vào gói giẻ ẩm hoặc lá khoai môn gói lại, cuộn trong túi ni lông rồi dúi vào bếp tro đã nguội. Cẩn thận thì cho một ít tro ấm lên trên. Hai ngày sau, hạt sẽ nứt nanh nảy mầm. Nếu không gói ni lông hoặc chỉ gói mỗi ni lông thôi không có lá hay giẻ ẩm bên trong, Hạt có khi bị hỏng vì bị tro hút khô hạt hoặc dễ bị nóng lạnh đột ngột mầm có ra cũng bị hỏng. Gặp đợt rét đậm, có khi phải buộc túi hạt vào cạp quần, đêm ngủ cho vào chăn bông. Nhà có ổ gà đang ấp hay đàn bà chửa thì càng tuyệt. Nếu ngâm hạt dưa hấu vào vụ hè thu hoặc vụ đông thì khác hẳn. Chỉ được đưa gói hạt như đã làm vào cót thóc thôi là được. Nếu muốn ruộng dưa lên đều thì cần phải làm bầu cho cây con. Độ mươi ngày, cho cây cứng cáp, rồi mới trồng trên luống. Chỉ riêng chuyện làm bầu cũng nhiều vấn đề lắm. Thôi vậy, tôi giữ lại cái bí quyết này để sau này còn kiếm ăn chứ. Có những người nhảy tàu hay đi ô tô từ tận Quảng Ninh hay Hải Phòng tìm đến nhà anh để mua. Có người chưa khảo đã xưng rằng: “Chúng tôi mãi tận Thủy Nguyên, Hải Phòng thấy khách buôn dưa hấu này ra đó bán, hỏi mãi không được, chúng tôi đã đọa đánh thì họ mới chịu “khai ra” là hạt dưa này được bán từ nhà anh đấy… Chủ nhà nể tình khách xa mà làm cơm khoản đãi tươm tất. Những người không có tiền ngay thì mua chịu có khi một và năm mới trả. Những người chưa biết ngâm ủ cho hạt nảy mầm thì được ngâm ủ giúp. Giá bán thì thật là “hữu nghị”. Có khi cả sào ruộng trồng, tiền hạt giống chỉ bằng ba bốn quả dưa lúc bán mà thôi. Thế là tiếng lành đồn xa lan khắp vùng. Rồi dần dà, làng Tâng Hạ đã trở thành trung tâm dưa hấu vụ đông, vụ xuân và vụ hè thu.
Ngoài làm hạt giống dưa “Mai An Tiêm” ngắn ngày để bán thì anh còn gieo cây giống cải bắp và hành tây nữa. Lúc trước thì trung tâm sản xuất các cây rau giống này ở làng Hui bên cạnh. Làng này giữ nghề không muốn cho làng khác làm, nên rất khó mà mua hạt giống này qua họ được. Nên muốn gieo, phải lên tận chợ Bưởi ở Hà Nội mới mua được. Sau này bận quá, anh không gieo cây giống rau cải bắp và hành tây nữa. Những người bên cạnh thấy việc gieo cây con giống như anh cũng không quá khó như đã nghĩ, nên họ cũng gieo và bán. Dần dần, cái cánh đồng đó đã là nơi cung cấp cây rau giống cho các vùng phía nam của huyện và một số vùng lân cận. Anh kỹ sư trẻ thì đã xin được việc ở cơ quan nghiên cứu gần đấy. Hàng ngày vừa đi làm vừa tranh thủ bán thêm hạt dưa, lại hướng dẫn kỹ thuật cho người trồng. Vào ngày chủ nhật gần thời vụ thì khách đến mua hạt chật cả nhà. Cứ như thế gàn chục năm liền với quy trình khép kín: Tự trồng lấy giống, tự bán hạt giống và tự hướng dẫn kỹ thuật cho bà con đã đem lại hiệu quả cao cho người sản xuất. Đến lúc đó việc buôn bán nông sản phẩm rau quả tươi không bị ngăn cản như trước. Các tư thương trong vùng bắt đầu nổi lên. Họ đã chở dưa hấu từ vùng Gia Lộc đi bán khắp cả nước. Nhiều người phất to mà trở lên giàu có. Trên đoạn đường quốc lộ 17 chạy qua làng Tâng Hạ la liệt những người ngồi bán dưa, nhất là vào lúc chính vụ thu hoạch.
Lúc này đã gọi là một cái thời kỳ “Đổi mới” của cả ngành nông nghiệp. Nhiều hãng hạt giống cây trồng của Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan và Mỹ đã xâm nhập thị trường giống dưa hấu, cải bắp và hành tây tại Việt Nam. Điểm đặt chân đầu tiên, đương nhiên là cái địa bàn huyện Gia Lộc. Nhiều đại lý hạt giống của nước ngoài do tư nhân ở cạnh chợ Hui và chợ Cuối mọc lên. Hok bán ra nhiều loại hạt giống dưa hấu lúc đầu với giá rất rẻ. Không những thế, hạt được đóng gói thiếc hoặc đóng hộp với mẫu mã rất đẹp và bắt mắt. Thế là cái ông lang vườn hạt dưa kia bắt đầu một cuộc cạnh tranh không cân sức với các hãng giống cây trồng như các hãng Con Ó, Mặt trời và Hắc Mỹ Nhân của Mỹ hay như hãng PS, Santana của Nhật Bản, Hãng Kim Cô Nương của Đài Loan và Thái Lan nữa. Nhiều công ty giống thấy hiệu quả cao của việc trồng dưa hấu mà đã đầu tư khuyến khích. Thế là rất nhiều nơi ở miền Bắc và dọc vào Miền Nam, nhiều vùng dưa hấu thứ cấp đã mọc lên. Rồi các chương trinh khuyến nông của các cơ quan nông nghiệp cũng đổ xô kinh phí vào các mô hình trồng dưa hấu cho thu nhập cao. Các chương trình thường cấp không giống và vật tư phân bón mấy năm liền. Có xã làng bên cũng nhờ phong trào rau mầu lên cao mà đã được phong là Đơn vị Anh hùng trong thời kỳ đổi mới.
Anh chàng đơn phương độc mã tuy vẫn làm ăn hiệu quả thêm mấy năm nữa mới chịu dứt cái công việc kinh doanh để chọn hướng đi làm học nâng cao cho mình. Nhiều người nông dân chất phác quê anh lấy làm tiếc nuối cho anh lắm. Rồi gia đình anh chuyển lên thành phố sinh sống. Dễ thường dăm sáu năm sau vẫn còn có người dò hỏi lên tận nhà, khi thì biếu quả dưa đỏ, khi thì hỏi han về phòng trừ sâu bệnh cho dưa hấu. Thậm chí còn hỏi mua hạt giống dưa “Mai An Tiêm” vỏ đen ngắn ngày hồi nào. Cái vùng dưa hấu Gia Xuyên được các nơi phong tặng là “Thủ đô” của dưa hấu. Không biết có phải các vị lãnh đạo của huyện khi đó thật là năng động và có tầm nhìn xa nhận ra vẫn đề. Hay tại bởi các vụ tai nạn giao thông và lộn xộn thường xuyên xảy ra làm cả con đường như biến thành cái chợ trời dài ngoằng ngoẵng kia. Mà các ông lãnh đạo ấy đã quyết định xây dựng một khu chợ nông sản chuyên dưa hấu lớn nhất miền Bắc, ngay tại cái nơi bán dưa kín cả mặt đường. Mà nếu không mở chợ thì con đường 17 sẽ ách tắc từ lâu rồi. Nay lại có thêm con đường rộng 52 mét chạy xéo qua. Chứ không thì các đoàn xe công ten nơ, ngày ngày nối đuôi ra vào được chợ, cũng phải chen nhau chết vật.
Cái chợ dưa ấy ngay từ khi mở đã hoạt động tấp nập quanh năm. Dưa hấu trong vùng không thấm tháp gì so với nhu cầu tiêu thụ. Tiểu thương còn phải chở dưa hấu từ tất cả các vùng trồng khác về nữa. Vậy là khu chợ này đã là nơi trung chuyển của tất cả các vùng trồng đến các vùng tiêu thụ. Kể cả xuất sang hay đôi khi còn nhập lại từ Trung Quốc. Một ông Giáo sư y khoa về nội tiết học, khi tìm hiểu cái chợ dưa hấu này, đã định mở phòng khám chữa tiểu đường cho người dân trong vùng. Mấy người đã từng học trường làng, vì điều kiện học hành chểnh mảng không thoát ly được đã tham gia vào các dịch vụ tại chợ dưa. Nhiều người đã gặp thời vận mà trở thành những ông cai thầu dưa hấu tầm cỡ. Có ngày đứng ra chỉ huy xuất bán hoặc nhập dưa vào tới vài chục xe công ten nơ. Tụi này làm thu lãi lớn nhiều năm. Khi đã trở lên giàu có thì đã bắt đầu tỏ ra kinh người nghèo. Gặp lại bạn học cũ từ hồi cấp một là cái anh chàng kỹ sư nọ (Giờ đã là một người chuyên nghiên cứu về cây trồng, làm việc cho cơ quan nhà nước lương lậu ba cọc ba đồng), thấy vẫn còn đi làm bằng cái Cup 81 kim vàng giọt lệ đã cũ kỹ, thì coi thường ra mặt. Thấy vài tên trọc phú này kênh kiệu với người đã từng bán hạt dưa cho cả làng, có người lớn tuổi mới trỏ vào mặt mà nói với bọn kia rằng:
– ”Chúng mày nên người ở cái chợ dưa này cũng nên biết, ai đã từng bán hạt giống dưa cho người dân vùng này chứ. Lẽ ra phải tạc tượng ông ấy ở cái vùng dưa hấu này rồi đấy”.
Bọn này cằn nhằn:
– “Bán hạt có lãi thì ông ấy mới bán chứ. Mà có ai khiến ông ấy bán chác hạt dưa đâu.”
Nói vậy, nhưng từ bấy giờ, chúng mới bớt vênh vang đi. Nhưng cũng phải công bằng mà nói rằng. Cánh tư thương mươi năm trước vẫn chỉ coi là nhưng con buôn, đi đâu cũng bị bắt chẹt ấy, đã là nhân tố quan trọng để cho vùng dưa này phát triển vượt bậc. Đến mức bảo đảm cho cái chợ dưa này bất kể ngày nào cũng có dưa hấu tràn ngập để phục vụ khách hàng cả nước. Chưa kể vào chính vụ, hàng ngày có đến hàng trăm xe công ten nơ chở dưa hấu ra vào. Chợ dưa giải quyết công ăn việc làm và thu nhập cao cho bao người. Có nhà mấy người đều đi bốc dưa mà xây được căn nhà to bự, mở mày mở mặt với làng trên xóm dưới.
Sẽ là rất thiếu sót, nếu không nhắc gì đến một cái mô hình sản xuất nông nghiệp tầm cỡ quốc gia một thời, song song với mô hình cây dưa hấu đang giai đoạn cực thịnh ở quê tôi. Đó là mô hình trồng hoa hồng. Trong đó làng xã tôi, đã can dự vào tới một phần ba nội dung dự án hồi đó. Mười mấy hát ta đã mọc lên như trong mơ, nhưng chỉ có tuổi thọ kéo dài hai ba năm. Tôi xin phép không nói nhiều về cái phát kiến vĩ đại này. Vì e rằng sẽ ảnh hưởng đến các vị lãnh đạo quyền cao chức trọng, hiện còn đang phải lo chuyện đại sự quốc gia. Họ cũng chỉ vì tinh thần lãng mạn trong cách mạng và vì việc công cả thôi. Có khi đường lối của một quốc gia còn sai lầm, nhân dân cũng phải cam chịu nữa là. Chỉ biết nơi giáp gianh giữa làng Tâng Hạ và làng Hui, người dân hiện nay vẫn gọi con đường chạy qua là “Con đường Hoa Hồng”. Cánh xe ôm, taxi hay xe khách ai cũng đều biết con đường đó. Một số cô gái trẻ trồng hoa đã thật may mắn khi đã chụp được những tấm hình tươi tắn bên ruộng hoa hồng. Giống hoa có những cái gai to đùng và những bông hoa to bằng ngón chân, ngón tay đỏ chót. Và trong bài giảng dành cho các học viên cao cấp về quản lý kinh tế của một vị cựu bộ trưởng nọ, đã có nhắc đến “Mô hình trồng hoa hồng năm trăm triệu đồng trên hát ta tại Gia Lộc, Hải Dương.”
Nhờ việc trồng cây rau màu, cải bắp và dưa hấu nhiều năm, mà bộ mặt cái làng quê làng Tâng Hạ đã thay đổi trông thấy. Giờ lại có cái chợ dưa lớn nhất miền Bắc. Nhiều người đã trở nên giàu có và khá giả từ đây. Một khi đã rủng rỉnh đồng tiền trong tay, những người dân nơi này rất năng động đã đầu tư tiếp cho con cái đi lao động ở nước ngoài khá đông. Sau này nhiều tiền hơn thì cho con đi du học. Họ không chỉ sang châu Âu vừa theo con đường chính thức vừa theo con đường du lịch rồi vượt biên. Thanh niên trong làng còn sang cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Ma lai… Thậm chí đến hơn trăm phụ nữ kéo nhau sang Đài Loan làm lao động giúp việc, mà những người ghen ghét vẫn gọi là đi “Osin”. Nếu không có một hai trăm triệu đồng trong tay thì làm sao họ có thể chạy vạy mà đi xuất khẩu lao động được cơ chứ. Ở những vùng nông thôn khác, người nông dân lấy đâu ra tiền để đi như thế mà làm giàu nhanh được như vùng này được. Nếu không có những người nông dân dũng cảm, kéo cái xe bò từ làng lên thị xã để mua phân người còn nhung nhúc dòi bọ để đem về trồng rau màu. Thì làm sao có được một vùng rau màu trù phú như ở nơi đây. Nếu không có mấy trăm con người đã đi lao động ở nước ngoài, chẳng nề hà những công việc thì làm sao có những ngôi làng san sát nhà cao tần khang trang mọc lên. Và nếu không có những người gieo hạt giống, thử hỏi có cái chợ dưa mọc lên được không. Nếu không có những điều đó, cái vùng đất này, hỏi có khác các vùng nông thôn nghèo khác là bao?
Những năm gần đây, cuộc sống của những người nông dân vẫn thuận buồm xuôi gió. Chỉ có khác hơn là, trên cánh đồng cây lúa còn ít thôi và chỉ cấy vụ xuân là chính, cốt là để giảm thiểu sâu bệnh. Cây ngô và cây đậu chỉ còn lại lác đác. Dưa lê và dưa hấu cũng ít đi hơn trước. Những người tháo vát thì đi buôn dưa đường dài hoặc làm cai thầu. Hoặc chở những xe hoa đào vào tận Sài Gòn để bán vào dịp giáp tết. Những người có sức khỏe thì quan tâm nhiều hơn vào cái chợ dưa vì rất nhanh ra tiền. Có khi chịu khó bốc dưa khoán, cả ngày một người có khi kiếm được tám trăm ngàn đến một triệu đồng rồi. Vài ngày là bằng tháng lương của mấy ông quần chùng áo dài, luôn sơ vin chỉn chu mỗi sáng. Những ruộng ven quốc lộ đã chuyển thành những ruộng hoa đào tươi tốt. Năm được giá có thể thu ngót trăm triệu đồng một sào. Những khu thuận tiện đã chuyển dịch thành các nhà máy liên doanh nước ngoài. Trên mảnh đất bây giờ, dù chưa nổi ba bốn trăm mét vuông đất trồng trọt trên một nhân khẩu, nhưng người ta vẫn sinh sống khá tươm tất. Điều này quá khác xa với các làng quê thuần nông khác. Quá mải mê kiếm tiền ở xứ người đã làm cho một số cặp vợ chồng xa cách có khi mười mấy năm trời mà đã phải chia tay. Có những cô đi lao động xuất khẩu mấy năm về nhà. Đêm nằm ngủ cạnh người chồng tần tảo gió sương ruộng vườn, mà cảm thấy hôi quá không chịu được nữa cũng ly hôn. Có cô xinh đẹp lấy hẳn chồng ngoại quốc rồi về nhà xây cho bố mẹ một căn nhà to như biệt thự. Rồi ngày càng nhiều những cô gái trẻ xinh đẹp, đã kết hôn với đàn ông Hàn Quốc, đều trở lên giàu có cả. Kiểu này, có khi sau này hết cả gái làng, đàn ông có khi phải sang châu Phi tìm vợ cũng nên.
Việc kiếm tiền dễ dàng đã đẩy không ít thanh niên vào con đường tệ nạn. Những vợ chồng trẻ chết vì bệnh HIV cũng đến khối người trong cái làng bé tẹo này. Còn chuyện nhiều đứa đi tù dăm tháng hoặc đôi năm vì chuyện cờ bạc và vận chuyển heroin thì nhiều. Ra tù, bọn chúng lại làm ăn rồi lấy vợ như thường. Đấy là chưa nói rất nhiều quán xá cafe, gội đầu mát xa và thư giãn mọc lên đã dẹp mấy lần mà chẳng được. Rồi cái nạn nghiện hút mới thật đáng báo động. Tại khu nghĩa địa đằng sau cái chợ dưa hấu đã được mệnh danh là thủ đô của dưa hấu (Chỉ cần nhìn vào khu “Đống Bái” sẽ biết làng ấy giàu hay không giầu rồi) sẽ thấy la liệt là kim tiêm kim chích. Có chỗ lâu ngày, đống kim tiêm dày đến gang tay. Mà cái bọn nghiện hút khốn kiếp này thế mà cũng có ý thức phết. Chả thấy chúng vứt kim tiêm bừa bãi ra đường, nơi ngày ngày có cả những em học sinh đi học qua.
Nhìn những vườn cây hoa đào xanh mơn mởn chuẩn bị được tạo tán và những khu công nghiệp nhà máy mới mọc lên dọc theo con đường 17. Có ai tự hỏi không biết mươi năm sau cánh đồng làng tôi sẽ thế nào? Bao nhiêu loại cây trồng đã đến, đã ở lại giúp đời và đã ra đi. Có thể sẽ chỉ còn lại là những khu công nghiệp may mặc, chế biến, làm giày mà những ông chủ là người nước ngoài. Thay vì phải làm việc có phần quần quật nhưng được vươn người hít thở căng lồng ngực cái không khí mát mẻ của tự do, thì họ an phận và làm cho các công xưởng nhà máy. Những người già và những người am hiểu trong làng xã, đã nhận ra sự phát triển của làng quê và những hệ lụy của việc dễ dàng kiếm tiền. Họ đều thống nhất một điều rằng, đã đến lúc cần phải sửa sang đình chùa miếu mạo và xây thêm để cứu độ an dân. Âu cũng là một cách đáp đền ân đức của tổ tiên và tiền nhân. Cũng đồng nghĩa với việc mang lại phúc ấm lâu dài cho con cháu mai sau.
Trong vài năm, các cụ bô lão và những người tâm huyết trong làng đã đứng ra hô hào bà con quyên góp tiền của để sửa sang, xây cất thêm như Phủ Ngọc Hoa, Đền Vàng và Đình Tâng. Đầu tiên là cái Phủ Ngọc Hoa, được dân làng lập nên để thờ công chúa con vua nhà Lý. Người đã được nhà Vua gả cho người anh cả trong số sáu anh em trai có công đánh đuổi quân giặc. Rồi ít năm sau dân làng mới xây Đền Vàng thờ sáu người anh hùng tử trận. Đình Tâng chính là nơi sáu anh em đã phất cờ hiệu triệu các tráng sỹ đi giết giặc cứu nước. Đền Vàng được xây dựng để tưởng nhớ đến bà mẹ họ Đào và sáu vị anh hùng liệt sỹ do mẹ sinh ra. Phủ Ngọc hay còn có tên chùa Ngọc Hoa bây giờ là chùa Pháp Hoa, mới đầu rất nhỏ bé. Phải đến khoảng gần hai trăm năm sau, kể từ khi sáu người anh hùng áo vải cùng trai làng ra trận, Đền Vàng, Phủ Ngọc và Đình Tâng mới được dựng lên. Người ta biết được điều đó vì còn lưu giữ được tấm ngọc phả của Đền Vàng, có ghi vào thời Lê – Trịnh, những năm trước khi trận lụt lớn xảy ra khoảng vào thế kỷ 14. Còn Triều đại Nhà Lý trị vì ở thế kỷ 11 và 12 trước đó. Ba địa danh trên cánh nhau chừng vài trăm mét và cùng có chung một ngày lễ là mùng 7 tết âm lịch tết. Trong ngọc phả còn nói rằng có họ Vũ, họ Lê, họ Hồ và họ Nguyễn đã công đức xây dựng. Các họ khác có thể là chưa có mặt hoặc số lượng rất ít mà không thấy ghi tên ở đó. Họ nào công đức chuông, họ nào cong đức cột, kèo và đổ mái cuốn cũng đều được ghi lại.
Làng Tâng Hạ quê tôi, mà thuở xa xưa có tên là làng Lỗ Hạ thuộc phủ Dương Tuyền hay Hồng Châu gì đó. Cái tên làng Tâng Hạ đã gắn bó lâu nhất trong lịch sử phát triển của làng. Có câu chuyện liên quan đến một làng bên. Khi đó dưới thời thực dân Pháp cai trị. Đang tự nhiên bỗng làng bên muốn chơi trội hơn, bèn xin quan đặt lại tên làng của họ là Tâng Thượng. Quan Tây phụ mẫu thì biết gì đến nho nhe thượng hạ đâu nên đã đồng ý cho đổi ngay. Thế là thành ra hiềm khích lớn chỉ thiếu có đánh chém nhau mà thôi. Làng Tâng Hạ bèn kiện lên quan. Nhưng quan thì trót ăn hối lộ của làng Tâng Thượng rồi nên để bèn giảng hòa bằng cách chữa chữ Tâng Hạ thành chữ Tằng Hạ, không liên quan với làng Tâng Thượng kia. Sau vụ này làng Tằng Hạ vì phải đọc chệch cái tên cúng cơm của mình đi thì còn ấm ức lắm. Người làng thề độc rằng không bao giờ giao du với làng Tâng Thượng nữa. Ai trái lời nguyền sẽ gặp quả báo. Nên đến tận giờ, chẳng có mấy trai gái hai làng lấy nhau. Làng Tằng Hạ phát triển rồi tách ra 2 thôn Tằng Hạ và Tranh Đấu. Có khả năng sau này một thôn nữa sắp sửa tách ra là thôn Nghiên Phấn sẽ tách ra từ thôn Tranh Đấu. Nay gọi Tâng Hạ là bao gồm cả 2 thôn Tằng Hạ và Tranh Đấu. Trong lịch sử bang giao của làng Tâng Hạ có một chương như thế. Còn gần gũi hòa thuận nhất là làng Phúc Mại bên xã Gia Tân. Trai gái kết duyên Châu Trần bao đời nay đều thuận hòa êm ấm. Riêng làng Đồng Bào tuy cùng xã Gia Xuyên nhưng địa thế khá cách biệt đã tạo nên bản sắc văn hóa riêng qua giọng nói rất luyến láy mà người ta gọi là giọng Đồng Bào. Chỉ cần nhìn vào các ngôi chùa cổ và tên các dòng họ, cũng thấy lịch sử của làng khác hẳn với Tâng Hạ nên xưa kia hai làng giao lưu còn dè đăt lắm. Lãnh đạo xã Gia Xuyên bắt buộc phải có đủ người 2 làng. Bên mày nắm chức bí thu thì bên kia phải là chủ tịch.
Thời cải cách ruộng đất, chỉ có Phủ Ngọc rất nhỏ là không bị phá. Sau này dân làng dỡ ra xây dựng lại rất nguy nga tráng lệ. Còn Đền Vàng và Đình Tâng thì bị phá tan nát. Các pho tượng gỗ trong chùa bị vứt nổi lềnh bềnh trong giếng làng. Đình Tâng thì san phẳng làm cái chợ. Người làng vẫn gọi là chợ Tâng cho đến tận giờ. Chỗ nền của cái đình là một cái cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Những ai không thể nào quên cái thời kỳ bao cấp, ắt hẳn sẽ không bao giờ quên được cái cửa hàng này. Mười mấy năm sau, cái ông đội trưởng cái đội phá đình phá đền ấy, đang khỏe mạnh bỗng nổi điên, thi thoảng cởi trần truồng chạy ra đường. Rồi một hôm, người ta thấy ông ta chẳng mặc gì, chết đuối nổi phềnh như khúc tượng gỗ. Mấy ông nữa trong cái đội cải cách ấy cũng chẳng ốm đau gì mà tự nhiên lăn đùng ra chết ở cái tuổi chưa đến bốn chín năm ba.
Cái sự tích của Đền Vàng, Phủ Ngọc và Đình Tâng nó hay và lung linh lắm, nhưng nào mấy ai được biết. Cái thời như là thời nhà Lý hay trước nữa thì phải. Ở mảnh đất khi đó còn có cái tên là trang Lỗ Hạ, thuộc phủ Hạ Hồng. Chẳng ai biết được cái tên này có từ bao giờ. Chỉ mãi sau này ở cái thời Trịnh – Mạc phân tranh, anh em người anh hùng Vũ Mật, Vũ Uyên từ làng Ba Đông, phía nam huyện Gia Lộc đã qua đây chiêu bộ binh mã để đánh nhau với nhà Mạc. Có một truyền thuyết kể rằng, khi đó cư dân vẫn còn thưa thớt và sồng chung quanh một cái cồn đất khá cao ráo. Cạnh đó là một cái hồ lớn, cứ tạm gọi là hồ Tâng đi. Cái hồ này thông với con sông nhỏ là sông cầu Binh, rồi chảy về mạn Tứ Kỳ đi về đâu chả rõ. Có một đôi vợ chồng người thuyền chài sống trên cái thuyền nan. Thường tang tảng sáng, vợ chồng nhà thuyền chài mới đem cá lên bờ khi thì vào chợ gần đấy, khi thì đi bán dong trong làng. Vợ chồng nhà họ hơi hiếm muộn, khi có tuổi rồi mới sinh hạ được một mụn con gái, đặt tên là Đào Thị Nhớn (Về sau này gọi là Đào Dung Lương). Khi lớn lên cô gái càng ngày càng xinh đẹp. Đến năm mười sáu, sắc đẹp của nàng đã làm say đắm cả đến các vị thần. Một đêm vào lúc sắp qua canh ba, khi cả hai vợ chồng đã lên bờ, cô gái còn đang thiêm thiếp ngủ say, có một con rồng trắng (Bạch long) sà xuống phun nước ướt đẫm rồi phủ mình lên thân hình của cô gái. Cô gái tỉnh dậy lấy làm rất hoảng hốt bèn kể lại với cha mẹ. Sau lần ấy, cô gái mang thai rồi đến ngày 7 tháng giêng năm sau sinh hạ cùng một lúc sáu người con trai. Những người con này càng lớn càng khôi ngô tuấn tú và đều nổi danh văn võ song toàn cùng biệt tài bơi lặn.
Năm ấy, giặc Chiêm Thành ở phía Nam, thế lực mạnh lắm đã vượt đường xa, đánh tràn lên qua cả kinh đô. Nhà Vua Lý cùng quần thần phải bỏ thành đi lánh khắp nơi. Vua bèn xuống chiếu kêu gọi mọi người cùng nhau giúp vua cứu nước. Sáu chàng trai đã lớn khôn, nghe chiếu của Vua đã đứng lên mộ quân tại ngay cái cồn đất bên hồ. Các nghĩa sỹ theo về đông lắm, cờ xí rợp cả một vùng Lỗ Hạ bấy giờ. Họ đều nhất tề tôn người anh cả làm chủ tướng và chia làm sáu đội quân. Khí thế ngút trới. Sáu anh em đã đánh tan một cánh quân của giặc Chiêm Thành khi đó đang tung hoành tại vùng Dương Lỗ. Sau khi đất nước thanh bình, nhà Vua bèn gả công chúa Tiên Châu cho người anh cả đưa về triều cho làm tướng quân cạnh mình. Năm người em cũng đều được phong tước Đại Vương chỉ huy các vùng quanh đó.
Được dăm năm sau, quân giặc lại kéo đến. Sáu anh em cùng nhau xin ra trận giúp nước. Lần này thế giặc rất lớn chia làm nhiều ngả tiến đến. Trong một trận chiến không cân sức, cả sáu anh em đều bị tử trận. Nhà vua thương tiếc họ vô cùng. Người mẹ già và nàng công chúa Ngọc Hoa vì quá xót thương mà đã tuẫn tiết. Ngày nay Đền Vàng, Phủ Ngọc và Đình Tâng đều có chung một ngày lễ hội vào mùng bảy tết âm lịch. Đó là ngày mà sáu người con anh hùng cùng được sinh ra. Xung quanh làng vẫn còn 6 miếu thờ rải rác. Có thể đó là các nơi từng đóng quân hoặc các nơi họ đã nằm xuống. Dân làng bảo nhau rằng các chỗ ấy thiêng lắm. Trong câu chuyện truyền thuyết, thì cả 6 anh em, sau một trận đánh tại sông Lục Đầu đã cùng nhau hóa thành một đám mây vàng rực rồi bay về trời. Công chúa Tiên Châu vì buồn thương mà đã tuẫn tiết theo chồng. Nhà Vua đã cho xây dựng Đền Vàng cạnh cái hồ Tâng để thờ 6 anh em và nàng công chúa Tiên Châu. Đền Vàng còn có tên là đền “Thất Vị Đại Vương”. Cả 7 người đã được coi là Thành hoàng làng Lỗ Hạ, khi đó. Đình Tâng thì mãi sau này khi cái cửa hàng mậu dịch không còn nữa, người làng đã cùng nhau dựng lại ngôi đình rất khang trang to đẹp. Cả khu chợ Tâng phải dịch vào trong, nhưng nhiều người bán thì vẫn cố chành ra phía ngoài cho dễ bán. Những nơi linh thiêng ở làng tôi thì có nhiều lắm. Lớn nhất là khu đống Mà Cả tới ngàn năm tuổi. Khu đống cổ này nằm gần giữa Gia Xuyên và Gia Tân. Nhưng khu này từng đã bị dọn dẹp san lấp, nhằm lập ra một vườn cây ăn quả rộng lớn có tên “Vườn cây Bác Hồ”. Nhưng cây cối chẳng hiểu sao không lên được. Nếu có lên cũng ít cho hoa trái. Đến giờ chỉ thành một khu ruộng bình thường mà thôi. Hai xã này trước kia đã từng có thời gian sát nhập vào một xã có cái tên rất hay là xã Kiên Trung. Còn cái thôn tôi ở có tên là Tranh Đấu, đủ để biết cái thời đánh Pháp hoành tráng như thế nào.
Người làng tôi về sau có một số dòng họ mới đến gia nhập và sinh sống. Do là những họ nhỏ đến sau như họ Đồng, họ Lương và họ Đinh lại chưa có công tích nhiều với Đền Vàng, Phủ Ngọc và Đình Tâng, nên đã cùng nhau dựng lên một ngôi chùa có tên là chùa Huê Mai ở rìa thôn Tranh Đấu. Chùa nhỏ, lại không liền gắn với dân hay một sự tích nào đó, điền thổ chật hẹp nên không có mấy lộc. Các sư sãi đến không trụ lại được rồi lại bỏ đi. Gặp những tháng năm túng thiếu mất mùa, bão mưa nắng gắt, ngôi chùa nhỏ đã không đứng vững cùng thời gian. Sau những phu phen xây bốt Quán Phấn cho Pháp gần đấy, đã chuyển hết những viên gạch còn lại mang đi, để lại một cái nền chùa và cái giếng nhỏ trống toang gần hai sào ruộng. Từ khi người làng làm ăn phát đạt, mới chung tay quyên góp công đức bốn phương để xây ngôi chùa mới thật khang trang, Cùng với đó là chùa Cáy ở xóm bên. Ngôi chùa với con đường bê tông nhỏ chạy qua xóm, đã được đọc chệch tên thành Hoa Mai.
Chàng kỹ sư trẻ bán hạt dưa hấu năm nào, đã trở thành tiến sỹ nông học, nhưng vẫn đồng lương ba cọc ba đồng. Đi Tây đi Tàu có tiếng mà không có miếng, vẫn thường xuyên về chăm cha già mẹ yếu ở quê. Thỉnh thoảng chỉ có thể công đức cho chùa ít nhiều mà thôi. Dịp nhà ngôi chùa to đẹp đã xây xong nhưng còn chưa kịp sơn, đã vội vác máy ảnh vào chụp làm kỷ niệm. Toán thợ xây trát cũng là người làng, không thấy khách thăm chùa mang theo lễ mễ đồ mặn ngọt gì, thì lấy làm lạnh nhạt ra mặt:
– “ Tiến sỹ gì mà công đức mấy lần chưa nổi 3 triệu, chẳng bằng mấy thằng bốc dưa, đánh vữa như chúng tôi. Thế mà cứ bước vào chụp ảnh lia lịa. Ông hãy ra chụp cái bia công đức kia kìa”.

Giật mình nghe thấy giọng quen quen, nhìn lại là một người dáng dong dỏng cao gầy chừng cũng ngót tuổi 50 vừa nói rồi bước nhanh vào hậu cung. Đúng rồi, tay này ngày nhỏ gọi là thằng Cỏn, suốt ngày đi chăn vịt. May từ hồi chợ dưa gần đó mà cả gia đình phất lên nhờ đi bốc dưa thuê không hết việc, lại ngày ngày cắp nách về nhà vài chục quả. Nghe thấy mọi người bảo, nó công đức những mười mấy triệu đồng, thì người khách chụp ảnh kia không nói gì, lẳng lặng quay ra.

Mọi thứ đã từng đến rồi ra đi trên cái mảnh đất làng quê này. Từ con người đến cây cối cảnh vật trên cánh đồng. Một ngày kia những khu công nghiệp đang liếm dần vào giữa cánh đồng. Nghe nói sang năm khu đất giáp chùa sẽ có chủ Trung Quốc đến thuê mở xưởng dệt may gì đó. Những chân ruộng ra màu và nay đang trồng đào sẽ được thay thế bằng những khu nhà xưởng mênh mông. Mà có còn sót lại những thửa ruộng nào đó thì cái màu xanh của nó cũng chẳng còn như xưa. Giống cây rau bắp, hành họ, dưa dáy, đến giống ngô, hạt cải thìa xà lách cũng từ các công ty của Mỹ, Nhật, Hàn, Hong Kong, Đài Loan hay Thái Lan cung cấp. Hầu hết các máy móc cơ khí và thuốc trừ sâu bệnh cũng vậy. Người nông dân chỉ có đất, sức lao động rẻ mạt và một phần giống cây bản địa và phân gio mà thôi. Cánh đồng quê làng tôi hay của cả nước này, dù có là thẳng cánh cò bay đi chăng nữa thì cũng vậy cả thôi. Một màu xanh vay mướn ngoại lai. Đã thế, những tư nhân trong lĩnh vực này chẳng thể cầm cự nổi với các ông khuyến nông từ trung ương đến địa phương. Cứ hễ thấy mô hình trồng trọt nào có hiệu quả, là đổ xô nhau vào tài trợ giống má, thuốc cùng phân bón, rồi mở hội nghị đầu bờ vung tít mẹt lên. Liên tục như thế thì các tư nhân chuyên làm trong các lĩnh vực này có mà mạt kiếp không ngóc đầu lên nổi. Cái kiểu phong trào chụp giật khi được mùa thì mất giá. Tất cả những gì đã từng diễn ra trên cái mảnh đất làng Tâng hạ, xã Gia Xuyên này chắc khó mà níu kéo lại được. Rồi khi đó sẽ chẳng còn ai kể lại những câu chuyện về sự tích về một làng quê từ xa xưa cho đến nay…

(Viết năm 2014, sửa lại tháng 10 năm 2020)
Cùng chia sẻ bài viết này

Facebook