Tập thơ “Dòng sông mải miết”, Nxb Hội Nhà văn, 2016

THAY CHO LỜI TỰA

 

(Phần tự bạch này, được viết chung cho cả 5 tập “Dòng sông mải miết”, “Vệt sương chiều”, “Miền nhớ”, “Bài thơ quê tôi” và “Đi qua tháng ba”)

Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân mà mẹ tôi là người không biết chữ. Bố tôi có một chút vốn liếng chữ Hán do các cụ xưa làm nghề thầy đồ dạy chữ nho truyền lại. Mãi sau này, đi công nhân ở Quảng Ninh, bố tôi mới theo học đến lớp hai bổ túc. Nhà tôi khi đó đông anh em lắm, có đến mười anh chị em và tôi là thứ chín trong nhà. Nhưng khi lớn lên, chỉ còn lại sáu chị em thôi.

Quê tôi là một vùng nông nghiệp về sau này khá nổi tiếng với nhiều loại cây rau màu của tỉnh Hải Dương. Đó là xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc. Năm bố tôi về hưu tại quê nhà, cũng là lúc tôi bước chân vào mái trường đại học nông nghiệp. Tôi đã thi vào trường này chỉ theo một tiếng gọi, đó là, “Nông nghiệp là mặt trận hàng đầu”.

Tôi đến với thơ rất muộn mằn như một điều định mệnh và thật khó giải thích. Chỉ biết rằng, ngay từ bé tôi đã ham đọc thơ rồi. Tất cả những bài thơ trong chương trình học của các cấp tôi đều thuộc hết. Ngay cả những tập thơ dịch của nước ngoài, như của J. W. Goethe, Dante, Walt Whitman, Tagore và dòng thơ của nước Nga… mà một cậu học sinh cấp hai là tôi, vẫn cắm cúi đọc đến mức không bỏ sót một dòng. Tôi đã đọc nhiều tập thơ của các nhà thơ nổi tiếng ở trong nước, từ đại thi hào Nguyễn Du tới các nhà thơ mới và thơ tình hiện đại.

Tôi đã tự học làm thơ bằng một cách duy nhất là đọc thơ và suy nghĩ về thơ như thế đó.

Và tôi cũng biết, mình có khả năng viết thơ từ cái ngày tốt nghiệp trường đại học. Đó là cái buổi tối hôm trước khi chia tay, tôi đã viết ứng khẩu viết ngay những bài thơ ngắn hay một đoạn thơ vào cuốn sổ của các bạn đưa ra (Bây giờ thì tôi chẳng nhớ là mình đã viết gì nữa…)

Cuộc sống khi đó rất khó khăn với không riêng gì tôi… Ngoài công việc cơ quan, tôi còn phải làm thêm rất nhiều việc bên ngoài, kể cả các việc đồng áng và buôn bán mới có thể lo được cho cuộc sống của gia đình và dành dụm để hoàn thành luận án tiến sỹ chuyên ngành chọn giống và nhân giống cây trồng trong nước tại Viện KHKT Nông nghiệp Việt Nam, năm 2003. Sau đó, tôi còn theo đuổi và hoàn thành xuất sắc chương trình nghiên cứu Sau tiến sỹ tại Trường Đại học Tổng hợp Missouri – Columbia, Mỹ về lĩnh vực công nghệ sinh học, năm 2009.

Đã một thời gian khá dài, tôi không hề nghĩ đến thơ văn. Chỉ từ khoảng năm 1998, tôi mới thực sự viết. Nhưng khi đó, quá khó để có thể tìm được nơi nào để đăng thơ. Rồi lâu ngày thất lạc dần nên lại thôi. Rồi tôi lại viết và lưu lại khá nhiều khi mình đã có máy vi tính. Thơ tôi khi đó, chỉ để gửi tặng bạn bè qua email và nhận lại những lời khen của họ qua email mà thôi. Còn để gởi đăng báo thì thật là xa xỉ với một người ngoại đạo văn chương là tôi.

Về sau này, khi không còn quá khó khăn về kinh tế, nhất là việc học hành chuyên môn hoàn tất, giúp tôi có thời gian để viết nhiều hơn. Tôi đã có được một vốn sống lăn lộn bươn chải thực tế khá phong phú bởi công việc nghiên cứu “nhà nông” đã giúp tôi đặt chân đến khá nhiều nơi, cả trong và ngoài nước… Và bản thân đã từng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc của yêu thương, của nỗi nhớ nhà và nỗi nhớ quê hương. Đã từng có rất nhiều miền quê, đất nước, con người và bè bạn đã in dấu trong tôi…

Trong năm 2014, tôi đã tập hợp và xuất bản ba tập thơ đầu tay tại Nhà Xuất bản Văn học và ba tập thơ tiếp theo tại Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, với tổng số gần 700 bài thơ ở các thể loại khác nhau. Đó là sáu tập:“Ngọn gió thổi từ em”, “Khi mùa thu xa vắng”, “Hoài niệm”, “Lời thơ tình viết vội”, “Tặng em mùa thu” và “Mùa hoa lau trắng”. Tôi viết bằng hầu hết bằng các thể loại thơ khác nhau.

Sự quan tâm của bạn đọc và giới văn học nghệ thuật đã cổ vũ tôi viết tiếp gần như không ngơi nghỉ. Như có một dòng thơ cứ cuộn lên và chảy mãi trong tôi. Tôi đã dự định tập hợp cả những bài trước đó vào thành một tập thơ tiếp theo, đặt tên là “Dòng sông mải miết”. Nhưng do quá mải mê mà đến khi xem lại, mới nhận ra là không chỉ một tập, mà đã là ba, bốn tập hoặc có thể đã là năm tập cũng nên. Và ngoài tập thơ  “Dòng sông mải miết”, tôi đã đặt tên các tập còn lại là: “Vệt sương chiều”, “Miền nhớ”, “Bài thơ quê tôi” và “Đi qua tháng ba”. Tôi đã viết những bài thơ này bằng quá khứ, bằng thực tại, bằng sự mơ mộng và bằng sự tưởng tượng mà chính bản thân tôi cũng không ngờ đến.

Như NXB Hội Nhà văn đã nhận định, trong lần xuất bản trước đây về thơ Vũ Đan Thành “Bao trùm hơn hết, là một phong cách thơ trữ tình đầy lãng mạn bay bổng, rất dung dị đời thường mà cũng rất sâu sắc, nội tâm và trí tuệ. Những vần thơ rất mơ và cũng rất thực, rất riêng biệt và mới lạ, đã làm say mê người đọc và có thể chinh phục được những bạn đọc thơ khó tính nhất…”.

Tôi đã nhận được rất nhiều nhận xét quý báu của các bạn đọc yêu thơ trong và ngoài nước, của những nhà thơ đi trước và sự cổ vũ của nhiều nhà phê bình văn học.

(Phần cảm nhận về thơ do bạn đọc gửi)

Thay cho một lời giới thiệu hay lời bình nhận xét vẫn thường phải có trên những trang đầu của mỗi tập thơ, tôi xin có đôi lời chia sẻ cùng bạn đọc và xin được đăng một nhận xét của một bạn đọc nữ tại Hải Phòng về những vần thơ của Vũ Đan Thành:

Khi tôi bắt đầu lên trang mạng xã hội, kết bạn bốn phương và giao lưu các anh các chị cùng với mọi người trên facebook. Tôi thấy thật vui khi kết bạn với Thanh Vudan (tên nick của nhà thơ Vũ Đan Thành) khi biết rằng, anh đang là người mà bạn đọc yêu thơ rất quan tâm ở trong nước. Một niềm vui thật bất ngờ nữa ập với tôi, một người rất yêu và thích được đọc thơ. Tôi mê mải tìm thơ trên trang của anh để đọc. Có thể nói, thơ anh viết không những thật ấm áp, mộc mạc và chân thành, mà lại rất lãng mạn bay bổng.

Những bài thơ về mùa thu như “Có một mùa thu “, “Những mùa thu đi “, ” Thu xa cách” … Vâng, rất nhiều bài thơ tình về mùa thu. Thơ anh viết như tâm tình, như động viên, như che chở và có cả chút tình riêng dành cho bạn đọc trong đó. Khi đọc thơ anh, tôi cảm thấy như anh đang viết cho riêng tôi, như đang nói với riêng tôi, như nhắn gửi lại những lời yêu thương. Chắc hẳn tâm hồn anh phải sâu sắc lắm đây. Anh đã có hẳn hai tập thơ lấy tên mùa thu, “Khi mùa thu xa vắng” và “Tặng em mùa thu” với rất nhiều bài như “Có một mùa thu”, “Lối cũ hương bay”, “Đêm trăng mơ về phố”, hay bài “Thu về qua lối nhỏ ” với:

“Những cánh hoa lả tả

Loang vệt dài trong gió

Còn thơm mùi đung đưa”

Anh đang nghĩ về ai thế…? Những người yêu thơ đã đọc thơ anh viết, chỉ biết nghĩ rằng anh đang viết cho chính họ và anh đang nghĩ về họ.

Thật tuyệt vời phải không?

Anh không chỉ viết có mỗi thể loại thơ tình. mà anh còn có cả một kho tàng “Những bài thơ ngắn ngủi”, rất dí dỏm và hài hước nữa. Tôi thích bài “Này nhé ” của anh. Bài thơ vừa hài hước lại vẫn gắn chút tình trong đó, làm cho người đọc cảm thấy thật thoải mái và hưng phấn như muốn muốn cùng anh vui đùa trong thơ. Tâm hồn thơ của anh thật phong phú qua các bài “ngây ngô”, “đố ai”,“này nhé”… Cả một chùm thơ hài hước dí dỏm “Còn lâu em mới lấy được chồng , vì rằng vô khối kẻ dòm trông … “. Thơ anh thật trẻ trung nghịch ngợm nữa (!) Tôi rất thích những chùm thơ ấy của anh.

Nhà thơ Vũ Đan Thành còn là người con rất yêu quê hương đất nước, khi ta bắt gặp trong những bài thơ hồi tưởng về những cuộc chiến tranh đã qua đi. Những bài thơ cách mạng anh viết thật lắng đọng, đã đưa tôi về với những cuộc chiến gìn giữ quê hương, cho tôi thấy hình ảnh người lính trong chiến tranh đầy gian khổ. Những bài thơ đó của anh đã làm cho chúng ta cảm thấy thêm tự hào về về đất nước và dân tộc của mình. Trong thời bình hiện nay, những điều anh đang trăn trở về xã hội và thiên tai qua những bài “Nghe ngày bão giông “, ” Qua hai mùa bão giông “, “Mưa Sài Thành”và “Quảng Ninh mùa giông bão”. Những bài thơ về đất cảng Hải Phòng với những ngôn từ và giai điệu khỏe khoắn nhưng không hề kém đi độ mượt mà của nó và còn nhiều bài lắm. Khi đọc những vần thơ đầy tính thời sự của anh ta thấy xót xa khi mùa nước lũ đã cuốn trôi tất cả chỉ còn để lại những bùn với đất…

Tôi đã tìm đến thơ anh và tôi đã đọc nó một cách say sưa. Tôi đã đọc đi đọc lại và dường như chỉ sợ quên một ý hay thiếu một từ nào đó của tác giả. Anh viết thơ về mẹ thật là ấm áp, chắc anh yêu mẹ lắm mà. Một tâm hồn thơ như anh, làm sao không yêu mẹ được. Bài thơ “Giàn trầu của mẹ” được anh viết trong ngày lễ Vu Lan, đã đưa bạn đọc về với “Tình mẫu tử ” và đã gieo trong tôi một tình cảm rất thiêng liêng:

 “Con về chiều thu tắt nắng

Ngỡ bàn chân mẹ liêu xiêu…

Tôi đã khóc và nghĩ đến mẹ của tôi khi đọc những dòng thơ anh viết. Anh không chỉ viết về mẹ mà anh còn dành rất nhiều tình cảm khi viết về quê anh . Mảnh đất Hải Dương ngày ấy:

“Phù sa thẫm ướt vai gầy

Cánh cò bay la bay lả

Nhuộm bàn chân hạt phù sa…

(Trong bài “Hạt phù sa quê mẹ“)

Những bài thơ anh viết về chiến tranh, về những mối tình trong chiến tranh và về mùi hương hoa sữa thật cảm động xiết bao. Những bài thơ về chiến tranh này có thể nhận được sự đồng cảm của cả hai phía. Thơ anh còn đi vào những góc khuất của những tâm hồn người lính đã hy sinh với một chùm năm bài thơ về hoa sữa, về dòng sông Thạch Hãn, về thành cổ Quảng Trị và về cây cầu nối nhịp Hiền Lương…

Để nhận xét đầy đủ hơn về thơ Vũ Đan Thành, có lẽ phải cần phải có các nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật. Theo dõi những bài thơ mà anh đã đăng tải hàng ngày trên trang mạng xã hội, mỗi ngày lại có thể tìm được những điều rất mới mẻ và sâu lắng trong thơ tình của anh

Là một bạn đọc rất yêu thơ và đã từng đọc rất nhiều thơ của Vũ Đan Thành, tôi cũng chỉ biết khuyên các bạn hãy tìm đến thơ của anh để thấy thấy những điều kỳ diệu trong thơ và những phút giây thanh thản trong lòng…

(Bạn đọc: Hoàng Anh Thao, nữ cựu quân nhân sư đoàn 371, BTL Hải quân, số 92, tổ 7, đường Cát Bi, Phường Thành Tô, quận Hải An, tp Hải Phòng.)

Trong lần xuất bản cùng lúc năm tập thơ này, “Dòng sông mải miết”, “Vệt sương chiều”, “Miền nhớ”, “Bài thơ quê tôi” và “Đi qua tháng ba”, với gần 450 bài thơ, tôi hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa của các độc giả yêu thơ và nhận được nhiều ý kiến góp ý phê bình của đông đảo giới văn học nghệ thuật, các nhà phê bình văn học cùng các cơ quan truyền thông.

 

Xin chân thành cảm ơn Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, Ban Biên tập, nhà In và các phòng ban chức năng!

Ngày 6 tháng 11 năm 2015
                                                        Vũ Đan Thành

 

Cùng chia sẻ bài viết này

Facebook