Tập thơ “Đi qua tháng ba”, Nxb Hội Nhà văn, 2016

 

THAY CHO LỜI TỰA

 

Phần tự bạch viết chung cho cả 5 tập “Dòng sông mải miết”, “Vệt sương chiều”, “Miền nhớ”, “Bài thơ quê tôi” và “Đi qua tháng ba”)
(Phần cảm nhận của bạn đọc về tập thơ)

… Tôi đã nhận được rất nhiều nhận xét quý báu của các bạn đọc yêu thơ trong và ngoài nước, của những nhà thơ đi trước và sự cổ vũ của nhiều nhà phê bình văn học.

Thay cho một lời giới thiệu hay lời bình nhận xét vẫn thường phải có trên những trang đầu của mỗi tập thơ, tôi xin đăng một bài bình của một bạn đọc nữ tại Phan Thiết về bài thơ “Đi qua tháng ba”. Đó là một trong số gần 100 bài thơ đã in trong tập này.

Nhà thơ Vũ Đan Thành dường như rất có duyên với tháng ba thì phải? Ngay trong bài thơ đầu tay của anh “Thơ tình Tsukuba” đã có từ “Tháng ba” rồi nhé:

“…Tsukuba tôi đã qua
Biết bao giờ ngắm mùa hoa
Tháng ba anh đào rộ

Bài thơ dang dở đành để lại
Tôi về…”

Có phải vì mải theo những bông hoa đẹp mà thơ của anh nhắc nhiều đến từ “Tháng ba” đến thế. Tôi cứ nghĩ mãi về ý thơ này, khi lần đầu đọc bài thơ của anh, để rồi sau này bắt gặp thơ anh trong nhiều cái “Tháng ba” ấy. Có thể gặp những bài của anh như: “Tình khúc tháng ba”, “Lỡ hẹn tháng ba”, “Mưa chiều tháng ba Hà Nội”, ”Tìm về nơi ấy tháng ba”, “Có phải tháng ba Hà Nội”, “Mưa tháng ba”, “ Thành phố tháng ba”, “Vô tình tháng ba”, “Tháng ba”… “Đi qua tháng ba”. Đó đều là những bài thơ tình rất hay và lãng mạn của Vũ Đan Thành. Và hôm nay, tôi muốn viết về bài thơ “Đi qua tháng ba” của anh đó…

Tháng ba có gì đó hả nhà thơ? Tháng ba hoa cà tím trên đồng. Ồ không, đó không hẳn là đặc trưng của tháng ba. Chỉ có những cơn mưa phùn rả rích mới chính là điều đặc biệt của tháng ba đó. Viết nhiều thơ về tháng ba như thế mà trong thơ anh đâu hề thấy trùng lặp, mới thật là lạ. Có những bài về tháng ba của anh đâu có mưa rơi rơi mà sao vẫn như là có mưa. Những giọt mưa tháng ba ấy trong thơ anh không hề bi lụy chút nào:

“Tháng ba qua rồi em không đợi nữa

Những cơn mưa bụi ướt nhòa

giờ đang khao khát…”

Bởi vì sau tháng ba sẽ có những mùa hoa chờ đợi khác, có những mầm xanh cây lá, có nắng mới nồng nàn, có mùi hương tỏa bay và có sức sống mới trong hình tượng “Căng tròn tháng tư thiếu nữ”:

“Một mùa hoa chờ đợi những con đường

Gió đang thồi chiều xanh cây vời vợi

Nắng nồng nàn mùi hương thoảng bay

Áo căng tròn tháng tư thiếu nữ…”

Bài thơ “Đi qua tháng ba” này của anh, như một thông điệp nhắn nhủ các bạn trẻ, cái gì đã qua hãy để nó đi qua. Những gì là “Hương hoa cũ” và “Con đường cũ” hãy để lại phía sau lưng, bởi vì ai biết được đến khi nào gió sẽ dừng (?).

“Tháng ba qua rồi em không đợi nữa

Chờ mãi làm chi mùa mưa bụi

nhạt nhòa…”

Thế những không hẳn là như vậy đâu, hãy thật tinh khi đọc nhé, bạn sẽ thấy một điều gì đó như nhớ nhung, như “Ngập ngừng” nuối tiếc. Bài thơ chỉ có bốn khổ rưỡi thôi, mà sao đọc xong, nhưng vẫn có điều gì thật khó tả. Vừa là tình buồn lãng mạn, vừa chút nuối tiếc nhè nhẹ như mưa xuân rơi và vừa hứa hẹn gợi mở những điều tốt đẹp của tình yêu.

Một bài thơ mà tác giả viết hết sức tự nhiên thoải mái, không hề theo niêm luật gì. Mới đầu cứ ngỡ thơ tám chữ. Nhưng rồi lại thấy những câu thơ bảy chữ, chín chữ  và mười chữ đan xen, đã tạo ra một giai điệu rất lạ trong bài thơ tình của Vũ Đan Thành. Không hẳn như thể thơ tự do mà anh cũng rất hay viết và viết rất thành công. Chỉ riêng thơ tự do của anh đã thấy bao điều thật tuyệt rồi.

Bài thơ “Đi qua tháng ba” là một trong những bài thơ mà tôi rất thích bởi ý tưởng giản dị mà không thêu dệt của người viết và một lối viết thật tự nhiên nhưng lại rất bay bổng lãng mạn. Một điều mà những bạn đọc yêu thơ, thường thấy trong thơ của Vũ Đan Thành.

(Nhận xét của một bạn đọc nữ tại Phan Thiết không cho biết tên gởi đến – tác giả xin chân thành cảm ơn bạn rất nhiều).

Trong lần xuất bản cùng lúc năm tập thơ này, “Dòng sông mải miết”, “Vệt sương chiều”, “Miền nhớ”, “Bài thơ quê tôi” và “Đi qua tháng ba” với gần 450 bài thơ, tôi hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa của các độc giả yêu thơ và nhận được nhiều ý kiến góp ý phê bình của đông đảo giới văn học nghệ thuật, các nhà phê bình văn học cùng các cơ quan truyền thông.

Xin chân thành cảm ơn Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, Ban Biên tập, nhà In và các phòng ban chức năng!

Ngày 6 tháng 11 năm 2015

Vũ Đan Thành

 

Cùng chia sẻ bài viết này

Facebook