Tập thơ “Bài thơ quê tôi”, Nxb hội Nhà văn, 2016

 

THAY CHO LỜI TỰA

 

Phần tự bạch viết chung cho cả 5 tập “Dòng sông mải miết”, “Vệt sương chiều”, “Miền nhớ”, “Bài thơ quê tôi” và “Đi qua tháng ba”)

(Phần cảm nhận của bạn đọc về tập thơ)

 

Thay cho một lời giới thiệu hay lời bình nhận xét, vẫn thường phải có trên những trang đầu của mỗi tập thơ, tôi xin có đôi lời sẻ chia với bạn đọc và được đăng lời bình của nhà phê bình văn học, nhà thơ Mai Thanh về một chùm thơ gồm 30 bài mà ông đã đọc của Vũ Đan Thành:

… Như NXB Hội Nhà văn đã nhận định, trong lần xuất bản trước đây về thơ Vũ Đan Thành “Bao trùm hơn hết, là một phong cách thơ trữ tình đầy lãng mạn bay bổng, rất dung dị đời thường mà cũng rất sâu sắc, nội tâm và trí tuệ. Những vần thơ rất mơ và cũng rất thực, rất riêng biệt và mới lạ, đã làm say mê người đọc và có thể chinh phục được những bạn đọc thơ khó tính nhất…”.

Lời nhận định trên có thể nói là khá đầy đủ về thơ Vũ Đan Thành.  Tôi chỉ muốn nói đôi điều về nghệ thuật thơ của anh trong một chùm thơ gồm 30 bài mà anh đã gởi cho tôi.

Khi xem xét về nghệ thuật thơ, có thể tìm ở ba khía cạnh, như công “phẫu thuật” thi ca vậy. Đó là dạng thể thi ca, cách cảm thụ thi ca và yếu tố cấu thành bài thơ. Với các căn cứ trên, vận vào thơ Vũ Đan Thành, chúng nêu lên thực tế nghệ thuật đạt được trong thơ anh!

Về xu dạng thể, tồn tại song trên thi đàn hiện nay có ba xu hướng – dạng thể thi ca, đó là chân mộc, hàm ẩn và cách tân. Chùm thơ của Vũ Đan Thành thuộc dạng thể hàm ẩn, nghĩa là không phải là dạng thơ dễ đọc như thơ chân mộc, nhưng cũng không quá khó hiểu như thơ cách tân – hiện đại. Thơ hàm ẩn đi sâu vào sáng tạo theo cách thể hiện ý tưởng qua ẩn dụ và ngôn từ độc đáo – sẽ được nói kỹ hơn ở phần sau.

Về cảm thụ thi ca, trước hết là cảm hiện, tức là cảm xúc từ tâm hồn tác giả được thể hiện trên thơ; cảm tả là nhà thơ bộc lộ tình cảm gắn với cảnh quan mà nhà thơ tiếp nhận; cảm kể là nhà thơ gắn tình cảm của mình vào chuyện kể nhất định và cảm luận là nhà thơ bộc lộ cảm xúc của mình qua những vấn đề triết luận chính trị – xã hội. Chùm thơ 30 bài của Vũ Đan Thành, chủ yếu là cảm hiện và cảm tả; dường như không có cảm kề và cảm luận. Đó cũng là tính cách của thơ tình, mà thơ Vũ Đan Thành chủ yếu là thơ tình.

Về yếu tố cấu thành bài thơ, đó là ý tường, hình tượng, ngôn từ và vần điệu. Đến đây, chúng ta có thể xem xét nghệ thuật thơ Vũ Đan Thành qua bốn yếu tố đó.

Về ý tưởng, đã rõ là thơ Vũ Đan Thành là ý tưởng tình yêu nói chung – trong mỗi bài cụ thể bộc lộ ý tưởng cụ thể. Đây là lối cảm hiện tình yêu – cái nao nao từ trong lòng được bộc lộ về trạng thái yêu:

Trở về tìm giậu bìm bìm
Thấy rong rêu phủ im lìm tường cao
Cả đời tìm cái nao nao
Ngọn đèn hao bóng chiêm bao khuất mờ
”.

(Bài Trở về cỏ may).

Và đây là cảm tả – nói lúa nương là để nói tình yêu:

“Lúa nương xanh tốt bời bời
Chàng trai cô gái đang ngồi bên nhau…”

(Bài Sa Pa, mùa thu về).

Về hình tượng, thơ Vũ Đan Thành được xây dựng qua các hình ảnh không gian như thành phố Hải Phòng với đặc trưng của của nó; những cảnh biển với song; hình ảnh em vời vợi trong anh… Đó là những hình tượng tập trung, dẫn dắt gây cảm xúc thật bất ngời đối với bạn đọc.

Ngôn từ trong thơ Vũ Đan Thành khá chọn lọc, nhiều thi ngữ đắc địa, độc đáo. Vần điệu trong thơ anh cũng đa dạng – không chỉ thơ lục bát mà cả các thể thơ khác cũng đủ độ mượt mà.

Chúc mừng nhà thơ Vũ ĐanThành về những thành tựu thi ca nói chung, và đặc biệt, về sáng tạo nghệ thuật thi ca nói riêng của anh!

Trong lần xuất bản cùng lúc năm tập thơ này, “Dòng sông mải miết”, “Vệt sương chiều”, “Miền nhớ”, “Bài thơ quê tôi” và “Đi qua tháng ba” với gần 450 bài thơ, tôi hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa của các độc giả yêu thơ và nhận được nhiều ý kiến góp ý phê bình của đông đảo giới văn học nghệ thuật, các nhà phê bình văn học cùng các cơ quan truyền thông.

Xin chân thành cảm ơn Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, Ban Biên tập, nhà In và các phòng ban chức năng!

Ngày 6 tháng 11 năm 2015

Vũ Đan Thành

 

 

Cùng chia sẻ bài viết này

Facebook