Chùm thơ viết cho các thi nhân 1

(Ảnh ST: Xế chiều Hương Giang)

Đó là 17 bài thơ, viết về các nhà thơ nhà văn: Xuân Quỳnh, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Thakagi Xivankara Pillai (Ấn Độ), Nguyễn Khuyến, Vũ Hồng Quân, Hồ Xuân Hương, Bùi Giáng, Việt Phương, Nguyễn Công Trứ, Trần Tế Xương và Thanh Tùng.

.
1. Bóng thuyền trôi

Vũ Đan Thành

 

(Viết cho ngày giỗ của nữ sỹ Xuân Quỳnh, 29 – 8 – 2015)

Ở đây biển lạnh lùng

Thuyền không ra bến đợi

Mùa mưa ngâu tắt vội

Ô thước cầu tan ra.
.

Chim bay về hai ngả

Sông cạn dải Ngân Hà

Viết lời thơ băng giá

Cho người quá xa xôi.
.

Ở đâu thuyền đợi biển

Bao giờ thôi nhớ nhung

Những vần thơ tắt lặng

Xa rồi cánh buồm xa.
.

Ở đâu có mùa hoa

Tím hồn người thi sỹ

Ở đâu nắng nhạt nhòa

Con đường 5 máu đổ. *

 

Tắt ngậm ngùi bài thơ

“Chỉ có thuyền mới hiểu”

Chân trời là khơi xa

Chân trời là bão tố.
.

Người đi không ở lại

“Chỉ có thuyền mới hiều”

Bài thơ làm sao biết

Đời lạnh lùng giá băng.
.

Thơ nhỏ dòng lệ thắm

Khóc người chưa từng quen

Thuyền tình khi lỡ hẹn

Biển mãi màu mông lung…

(*)  Nhà thơ Xuân Quỳnh đã mất trong một vụ tai nạn giao thông tại chân cầu Phú Lương trên quốc lộ 5, ngày 29 – 8 – 1988, cùng với chồng và con trai! 

 .

2. Nhớ Hàn Mặc Tử

Vũ Đan Thành

 

Nhớ người đọc lại những vần thơ

Từ sâu thăm thẳm trái tim buồn

Vầng trăng hiu hắt hồn thi sỹ

Một áng thơ tình phảng phất bay.

 

Sương rụng người đi trăng tan nát

Một nửa hồn thơ giấc mộng tàn

Thơ hay ảo ảnh hay màu khói

Một khúc tơ lòng ai nhói đau…

 .

3. Trăng Hàn Mặc Tử

Vũ Đan Thành
.

Trăng lạnh hồn hoang rơi Ghềnh Ráng (1)

Lưa thưa con sóng vỗ Quy Hòa

Mộng thường xõa tóc đầu bạc sóng

Lắng đọng trùng dương một khối tình.
.

Mơ bến trăng xưa vầng trăng khuất

Thả hồn một giấc chốn phiêu du

Trăng buồn ru bóng tình hiu hắt

Mộng đã tan tành hương khói bay.
(1) Nơi yên nghỉ của thi sỹ Hàn Mặc Tử.

 .

4. Viếng mộ Hàn Mặc Tử

Vũ Đan Thành
.

Ta lên đồi Thi Nhân
Viếng thơ Hàn Mặc Tử
Những vần thơ ru ngủ
Hồn người tình yêu nhau.

Không mùa hoa cỏ lau
Chỉ trắng màu vỗ sóng
Lá như con thuyền mỏng
Bay Ghềnh Ráng nhạt nhòa.

Chỉ một màu trắng xóa
Bóng hình trăng thi sỹ
Dốc Mộng Cầm thoai thoải
Bao mùa rơi vương vãi.

Rụng rồi thời gian trôi.
Những vần thơ bạc mệnh
Phảng phất hồn thi nhân
Bao mùa trăng rắc lối
Bao mùa trăng vơi đầy…

.
5. Xin đừng đốt áng thơ
Vũ Đan Thành

Xung quanh câu Truyện Kiều
Mấy trăm năm tồn tại
Đã ngấm vào dân gian
Thậm chí lan sang Mỹ.

Phải chăng dài khó thuộc
Điển cố thật rườm rà
Mà lắm chuyện lạ thay
Thi nhau sửa, viết lại.

Kiểu này trăm năm nữa
Truyện Kiều hóa ra ma
Vòng thiên la địa võng
Lục bát rồi ngũ ngôn.

Câu chữ cứ lồm xồm
Chả còn hồn thơ nữa
Cái ông Xuân gì đó
Chặt chém hẳn ngàn câu.

Ngài Vũ Khiêu hòa tấu
Có thi sỹ Nghệ An
Trình làng mỗi trăm câu
Tóm lược lục bát chuẩn.

Đọc lên, nhức cả đầu
Ông Thái Bá tô màu
Bằng ngũ ngôn vui nhộn
Chả thấy hồn Kiều đâu.

Người ta đọc nguyên mẫu
Một có khi biết mười
Vi rằng bao điển tích
Mỗi một mẩu cực hay.

Nay a còng thịnh trị
Văn hóa cổ tàn suy
Có nên chăng cổ súy
Khuyên châm lửa đốt nhà…
.

6. Khóc cho một vần thơ

Vũ Đan Thành

 

(Viết cho đại thi hào Nguyễn Du, khi biết Truyện Kiều của ông đã bị một người sửa khoảng 1000 từ (khoảng 1/3 số câu) để cho “hay” hơn và đã được xuất bản năm 2012)

Tôi khóc cho Người những áng thơ

Ba trăm năm lẻ vẫn xa mờ

Vần thơ Người viết hồn trong chữ

Nay đã tan rồi lạnh khói hương.

 

Tôi khóc tiên sinh một đoạn trường

Thúy Kiều – Kim Trọng nỗi bi thương

Người ta đang giết mòn câu chữ

Mặc nỗi ngậm ngùi chẳng tiếc thương.

 

Tôi khóc phải chăng đại thi hào

Ngàn năm hồ dễ mấy ai hơn

Hậu sinh khả úy phường thi thố

Vùi liễu dập hoa xót thương chi.

 

Ô hô! Thời cuộc hay nhân thế

Văn nhân tri thức đã lụi tàn

Tôi khóc cũng vì trăm năm trước

“Thiên hạ ai người khóc Tố Như”.
.

7. Rượu lạt cuối năm
Vũ Đan Thành

(Viết cho nhà thơ Nguyễn Bính)
Uống câu thơ rượu giải sầu
Bên cầu ao thả nhịp cầu thiên thu
Người đi từ giã âm u
Ngày mai pháo nổ còn đâu nữa mà.

Để quên lục bát hiên nhà
Bỏ câu thơ đói rượu ngà ngà say
Thế gian nào biết mà hay
Chén cay chén đắng ngậm ngùi lời thơ.

Kể từ cái độ trăng mơ
Hồn ai lục bát lửng lơ phiêu bồng
Em đi cất bước theo chồng
Thế là lỡ bước sang ngang cùng người.

Hoa xoan sớm nở rụng rơi
Còn câu thơ mãi một thời chân quê
Còn ai người trót say mê
Mùa xuân hờ hững nhắc về ai không.

Câu thơ lục bát đứt dòng
Là tan cuộc mộng ngậm đòng cỏ may

Thế gian nào biết mà hay
Chén cay chén đắng khóc người lời thơ…
(Nhà thơ Nguyễn Bính mất ngày 29 giáp tết Bính Ngọ năm 1966 khi đó ông mới 48 tuổi và sau này được đánh giá như là một trong những nhà thơ lục bát hàng đầu của Việt Nam)

.

8. Chuyện tình Kerala

Vũ Đan Thành

 

Tôi đã tới Kê ra la

Bãi biển đẹp nên thơ miền cực nam Ấn Độ

Nghe con sóng biển vỗ về

Mãi tận canh thâu

Có con sóng kể cho tôi nghe về câu chuyện tình bất hủ

Cuốn tiểu thuyết

Mùa tôm”… (1)

 

Đã từ lâu lắm rồi

Tại làng chài có thể tôi đã đi ngang qua đó

Có một câu chuyện buồn thương

Của chàng trai và cô gái

Tấn bi kịch của một thời ngang trái

Và tình yêu thơ dại

Họ đã trao…

 

Khi tình yêu không thể nào bay cao

Họ đã ôm nhau rồi nhào vào trong lòng sóng vỗ

Tìm bến bờ bất diệt cho riêng mình

Để không còn những định kiến

Những giới gianh

Giữa giầu nghèo hèn sang

Vô vọng

Biển Kê ra la mùa tôm cuộc tình lắng đọng

Đã quá lâu…

 

Tôi hỏi những người bạn có làn da nâu trong chuyến đi hồi ấy

Về nhà văn có cái tên dài như câu chuyện tình

Juniet với Romeo

Ngài Thakagi Xivankara Pillai người Ấn Độ

Những thiếu phụ Hin du khoác trên người bộ sari (2)

Sang trọng

Họ nhìn nhau như lóng ngóng

Có người biết

Người không…

 

Tôi hỏi họ có biết hay không

Về những bộ phim có những tên kẻ cướp biết múa hát cực hay

Ai cũng biêt

Tôi hỏi họ có biết hay không

Câu chuyện tình “Mùa tôm” lãng đãng

Và mở ngoặc đôi điều về tấn bi kịch nhân gian

Đã gây sóng một thời dĩ vãng

Nhưng không có ai còn nhớ đến nữa rồi.

 

Chỉ ngoài kia con sóng biển

Vỗ liên hồi

Như giấu mãi

Một tình yêu khờ dại

Kê ra la chuyện tình “Mùa tôm” con sóng vỗ

Khi tôi đến đây

Câu chuyện đã mờ xa…

(1) Tiểu thuyết “Mùa tôm” của Thakagi Xivankara Pillai, người đã sinh ra và lớn lên tại một làng chài ở bang Kerala, đã viết năm 1956.

(2) Sari là bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Hin du, Ấn Độ.

 

Cùng chia sẻ bài viết này

Facebook