Chùm thơ viết rải rác ở nước ngoài

(Ảnh: Tác giả cùng một người bạn Ấn Độ tại ven biển Kerala)

  1. Người đàn ông nhảy điệu Bolero

Vũ Đan Thành


(Viết tại Wageningen, Hà Lan)

Đêm dạ hội chia tay

Âm nhạc bùng lên vũ điệu

Ánh sáng nhún nhảy theo giai điệu màn đêm

Từng đôi dặt dìu nhịp bước

Khúc dạo đầu chầm chậm

Vũ điệu Van xơ…

Từng đôi tay dìu nhau qua từng bước nhảy

Những cặp tình nhân lắc lư

Những người quyến rũ quyến rũ

Những người tình sành điệu bảnh bao

Ánh mắt nhìn nhau nao nao

Đắm đuối

Phía cuối sàn

Một người đàn ông râu rậm

Dáng hình thấp đậm

Màu áo com lê anh lẫn với màu đêm

Bồn chồn như ngóng đợi

Khi vũ điệu Bô lê rô nổi lên (*)

Các cặp đôi nhìn nhau tình tứ

Anh một mình lẫn sau những lứa đôi

Anh một mình bồi hồi mơ màng như trong mộng

Một mình anh nhún nhảy như trong mơ

Đôi chân anh cũng đang mơ

Anh đang nhớ

Một người tình

Hay đang nhớ về người vợ trẻ?

Đang ở vùng Ca ri bê hay ven bờ Địa Trung Hải

Người nhạc công lặng nhìn anh trong điệu nhẩy

Dậm dịch trong từng nốt nhạc ghi ta bass

Mê ly

Và nhịp trống cũng bập bùng theo giai điệu

Vũ khúc Bô lê rô…

Đêm dạ hội từng đôi từng đôi đang bay như trong mơ

Còn riêng anh như đang trong một giấc mơ lắng chìm

Bất tận

Anh đang nhớ

Về một người tình

Hay người vợ trẻ chốn xa xôi…

(*) Điệu nhảy Bô lê rô là một điệu nhày đôi trữ tình có nguồn gốc từ Tây Ban Nha. Điệu Bô lê rô đã phát triển và rất phổ biến tại các nước vùng biển Ca ri bê, Châu Mỹ.

 

  1. Trở lại Wageningen, Hà Lan

Vũ Đan Thành

 

Trở lại Wageningen một ngày tràn nắng

Một chút bồi hổi đang tan chảy trong tôi

Chuyến tàu điện đưa tôi về chốn cũ

Chín năm trời kỷ niệm phủ thời gian

 

Con tàu trôi lan trong màu xanh đồng cỏ

Bầu trời xanh lam không một gợn mây bay

Vệt máy bay kẻ dọc ngang màu khói trắng

Không gian lắng chìm ngọn gió cũng lặng yên.

 

Đàn bò đốm trắng trắng loang trên đồng cỏ

Đẹp như là vầng mây trắng mới vừa rơi

Tàu dần trôi êm đưa tôi về ngôi trường cũ

Wageningen University !

 

Tôi bước vào sảnh đợi gặp lễ tân

Dường như không chút gì là đổi khác

Vẫn bản nhạc không lời rơi thảm đỏ

Mới như là ngày nào vừa qua thôi.

Tôi chợt nhớ cô lễ tân ngày trước

Tóc cô vàng và nụ cười hiền trên môi

Anh đến từ đâu chắc là cũng đã mệt rồi

Hình như có phải là Mariana không đó.

 

Chưa kịp nhận câu trả lời tôi đã rõ

Chín năm trời thời gian trôi qua mau

Chín năm đã đi rồi đâu có là ngắn ngủi

Thiếu phụ cười đâu khác chi cô thiếu nữ.

Anh có vui nếu lại ở phòng một lẻ tám tầng tư ?

 

  1. Thơ tình Tsukuba

Vũ Đan Thành

 

Tsukuba tôi qua

Không mùa hoa tháng ba anh đào

Chỉ thấy rì rào đồng lúa tỏa hương

Khôn có em núm đồng tiền

Đứng ven đường dễ thương quán nhỏ

Hàng dương xanh

Cuối chiều ngỏ bóng hoàng hôn

Bài thơ tình tôi định tặng em

Gió bấc vội người đi cũng vội

Giá lạnh tái tê

Tsukuba đâu niền đam mê

Chỉ thấy đêm về khắc khoải

Người đàn bà từng trải

Tiễn chân tôi đi không trở lai

Tsukuba tôi đã qua

Biết bao giờ ngắm mùa hoa

Tháng ba anh đào rộ.

Bài thơ dang dở đành để lại

Tôi về…

(Tsukuba là tên của một thành phố của Nhật Bản)

 

  1. Màu trắng Viêng Chăn
    Vũ Đan Thành

 

Viêng Chăn trắng xóa lóa môi cười thiếu nữ

Màu áo em trong trắngnắng bồng bềnh trôi

Dãy nhà trắng màu vôi tôi gặp em không đợi

Cô gái Viêng Chăn áo mỏng trắng xuân thì.

 

Làn da em trắng hồngkhông cần lưng ong thắt đáy

Mà em vẫn tươi xinh hơn bông hoa xinh

Em không thích cầm tay hay luôn thấy anh sát cạnh

Anh cứ đứng nhìn từ xa là sẽ thích em ngay.

 

Anh đã đến từ nơi xa… xa lắm

Sao bắt anh chẳng được đứng gần

Noọng ơi em trắng ngẫn ngần

Để cho ai phải tần ngần nhìn ai.

 

Đêm tháng ba sao sa đáy mắt

Chao nghiêng vòng tay em múa nhịp Lăm Vông

Có phải em không hay màu trăng hoa trắng

Ai vô tình như quyện lẫn ánh trăng thâu.

 

Trăng đêm nay muốn cùng em thức trắng

Trắng một màu trong trắng trắng Viêng Chăn…

 

  1. Chuyện tình Kerala
    Vũ Đan Thành

 

Tôi đã tới Kê ra la

Bãi biển đẹp nên thơ miền cực nam Ấn Độ

Nghe con sóng biển vỗ về

Mãi tận canh thâu

Có con sóng kể cho tôi nghe về câu chuyện tình bất hủ

Cuốn tiểu thuyết

“Mùa tôm”… (1)

 

Đã từ lâu lắm rồi

Tại làng chài có thể tôi đã đi ngang qua đó

Có một câu chuyện buồn thương

Của chàng trai và cô gái

Tấn bi kịch của một thời ngang trái

Và tình yêu thơ dại

Họ đã trao…

 

Khi tình yêu không thể nào bay cao

Họ đã ôm nhau rồi nhào vào trong lòng sóng vỗ

Tìm bến bờ bất diệt cho riêng mình

Để không còn những định kiến

Những giới gianh

Giữa giầu nghèo hèn sang

Vô vọng

Biển Kê ra la mùa tôm cuộc tình lắng đọng

Đã quá lâu…

 

Tôi hỏi những người bạn có làn da nâu trong chuyến đi hồi ấy

Về nhà văn có cái tên dài như câu chuyện tình

Juniet với Romeo

Ngài Thakagi Xivankara Pillai người Ấn Độ

Những thiếu phụ Hin du khoác trên người bộ sari (2)

Sang trọng

Họ nhìn nhau như lóng ngóng

Có người biết

Người không…

 

Tôi hỏi họ có biết hay không

Về những bộ phim có những tên kẻ cướp biết múa hát cực hay

Ai cũng biêt

Tôi hỏi họ có biết hay không

Câu chuyện tình “Mùa tôm” lãng đãng

Và mở ngoặc đôi điều về tấn bi kịch nhân gian

Đã gây sóng một thời dĩ vãng

Nhưng không có ai còn nhớ đến nữa rồi.

 

Chỉ ngoài kia con sóng biển

Vỗ liên hồi

Như giấu mãi

Một tình yêu khờ dại

Kê ra la chuyện tình “Mùa tôm” con sóng vỗ

Khi tôi đến đây

Câu chuyện đã mờ xa…

(1) Tiểu thuyết “Mùa tôm” của Thakagi Xivankara Pillai, người đã sinh ra và lớn lên tại một làng chài ở bang Kerala, đã viết năm 1956.

(2) Sari là bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Hin du, Ấn Độ.


  1. Người thổi kèn ở Amsterdam

Vũ Đan Thành

Người đàn ông đầu trần có nước da sạm nắng
Ôm chiếc kèn tây màu đồng trên đường phố Amsterdam
Anh đứng quay lưng
Bức tường tòa thị chính
Phía trước bàn chân anh
Chiếc mũ nồi màu tro đang lật ngửa
Lặng yên.

Người đi bộ trên đường ào ào lũ lượt
Phố hình như xe ô tô bị hạn chế vào ra
Những tòa nhà cao chừng mươi tầng đứng liền kề chen chúc
Màu gạch nung
Xam xám dáng trầm ngâm.

Chiếc kèn đồng phả làn âm thanh mỏng mảnh
Bản nhạc không lời buồn
Đến độ thê lương
Anh không nhìn vào những người trên đường và tôi
Đi trước mặt
Dường như anh đang thả hồn dìu dặt khúc đơn thanh.

Người đi đường vẫn đi nhanh
Còn tôi đã mỏi chân dừng ngay bên cạnh
Nhà bảo tàng “Gala Sex” viết tiếng Anh
Giá vé rẻ thôi chừng mươi đô la ra vào một lượt
Người phương Đông chả một ai lỡ dịp bỏ qua
Phố Đèn Đỏ vài trăm đô một giờ đừng chớ dại
Vào Ga la cũng thật lạ và vui như thực tại
Bước quay ra tiếng kèn vọng u hoài.

 

Người ôm kèn vẫn miệt mài
Tay nâng kèn và đôi bàn chân vẫn đứng
Thành phố nguy nga không có ghế đợi khách dừng chân
Quán bia tươi hai cô nàng gác cửa
Bikini, làn da nhuộm nắng ban trưa
Hàng ghế trống muốn dành mời khách khứa
Haineken, Carlsberg…
Bước đi thôi.

Tiếng kèn sau lưng nghe thật bồi hồi
Phố đông người đi mãi cũng thế thôi
Tôi quay lại dựa lưng
Bức tường tòa thị chính
Nghe tiếng kèn đồng
Quan sát Amsterdam – bức màn hình sống động
Thủ đô hoa lệ bên dòng sông một cảnh sắc tuyệt vời.

Chờ đoàn người đi vòng quay trở lại
Xứ Hà Lan đủ các màu da và sắc màu du khách
Tôi lẫn vào nhộn nhịp chốn thành đô
Vẫn âm thanh tiếng kèn bay
Không dứt
Người nhạc công hình như đang còn nợ chốn trần gian.

Làn âm thanh réo rắt vẫn nhịp nhàng
Tôi chợt nhận ra một chú chó bộ lông vàng và đôi tai như ủ rũ
Nằm ngay cạnh đôi chân người chủ
Ôm chiếc kèn đồng từ sáng tới nay
Đang dũi đầu vào bàn chân thân thiết
Mắt mơ màng
Nhìn chiếc mũ ngả trống tênh hênh.

Tôi còn nợ tiếng kèn mấy đô la ngày hôm ấy…

 

 

  1. Bài thơ nước Nga
    Vũ Đan Thành

 

Tôi chưa một lần được đến nước Nga
Sao cứ ngỡ cánh đồng Nga có đàn chim chiền chiện
Tóc em vàng hay mùa thu vàng hơn
Cô gái Nga đã đi trong chiều dòng sông xưa

Tiễn người yêu ra trận

Mãi không về…

Dòng Vonga nghe tiếng dương cầm xao xác
Điệu van xơ nào buồn du dương

Trong tôi…

 

Tôi chưa một lần được đến nước Nga
Mới chỉ biết nước Nga qua ánh đèn trang sách
Sáu năm trời học Rút – xky – Ia – zứt

Vẫn chưa hiểu Ia  liu – bliu  tre – be ! (1)

Làm sao đã một lần gọi tên em Natasa hay Tonhia gì đó

Nước Nga…
Bỏ qua những gì vụn vặt ta đã đã gặp ở đời thường
Tôi vẫn đem lòng yêu mến nước Nga

Xa…

 

Tôi chưa một lần được đến nước Nga
Một lần nhìn trời mây tuyết phủ

Dòng sông Đông êm đềm huyền ảo mỗi mùa đông

Để thấy lời ca đã lắng đọng đôi bờ

Những lứa đôi đi trong chiều lờ lững

Và cả những đêm trắng hững hờ trôi

Rừng bạch dương tuyết trắng rơi rơi

Ban sáng…

 

Tôi chưa một lần được đến nước Nga
Nhưng vẫn nghe từng nốt nhạc

Trong bản không lời Trai – cốp – xki

Đêm thanh vắng mới hiểu tình người Nga trong trắng hiền hòa

Những vần thơ Puskin bất tận…
Những chuyện tình tiểu thuyết Lép – tôn – xtôi

Chàng Pa – vel  Coóc – sa – ghim một thời xa ấy

Và những bài ca Nga đã làm thổn thức đáy lòng ta

Chiều Mat – xcơ – va

Dường như tôi đã vừa mới đến

Hôm qua…

(*) Pусский язык – Tiếng Nga;

Я люблю тебя – Anh yêu em.

 

 

Cùng chia sẻ bài viết này

Facebook